(VOV4) - Nếu ăn cơm cùng bà con người Thái ở vùng Tây Bắc, bạn chớ có được gác đũa lên miệng bát khi xong bữa. Nếu gia chủ có đĩa thịt gà đãi khách, người ta chưa mời, bạn nhớ là đừng vội gắp đầu và chân gà.
Giữ khách bằng... muối ớt
Bản Nà Lĩnh, (Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La). Tại nhà ông Tun lúc hơn 12h trưa. Hẹn trước nên 6 mâm cơm đón khách đã được chuẩn bị sẵn. Toàn là món ăn truyền thống của người Thái: Cá chép nướng thơm, thịt lam, thịt hun khói, măng ngọt, canh vón vén, xôi nếp thơm màu tím, món "sảy giảng" giòn tan, quả "mắc hói" luộc ăn vừa thơm vừa mát.
Trong 6 mâm ấy, có một mâm ở giữa bày hai cái chén con, đã rót rượu đặt cạnh nhau. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Lường Văn Sáng nói nhỏ: “Đấy là chỗ trang trọng nhất dành cho hai vị, một là người quan trọng, có chức vị cao nhất trong đoàn, một là người cao tuổi nhất của gia chủ. Hàng con cháu không được ngồi chỗ có hai chén ấy. Hai chén rượu nhỏ ấy là tượng trưng cho hai người “quan trọng” nhất, nên ở Thuận Châu, người ta không uống, sau khi dọn mâm thì họ đổ đi. Thế nhưng ở thành phố Sơn La thì phong tục có khác, người ta lại chia nhau uống.
Như vậy là chỉ cần nhìn vào mâm cơm đãi khách của người Thái bạn sẽ phân biệt được ai là người vai trên, ai là thủ trưởng…Và nếu bạn là khách của bản Thái, bạn còn phải chú ý điều này nữa, ấy là khi bạn đến, chủ nhà có nhã ý mời bạn ở lại dùng cơm, người ta đã mang mâm ra, trên có đặt một đĩa muối ớt thì dù có vội đến mấy, bạn cũng đừng từ chối, kẻo gia chủ phiền lòng. Tại sao ư? Hãy nghe ông Lường Văn Sáng giải thích: “Thức ăn thì có thể làm sau, người ta đặt mâm xuống, đặt đĩa muối, ớt ở đấy là thiết tha giữ khách. Tôi đặt mâm đấy rồi, anh không được đi. Anh mà bỏ đi thì có nghĩa là anh không tôn trọng tôi”.
Theo phong tục người Thái, ăn cơm xong không được gác đũa lên miệng bát. Nếu gia chủ có đĩa thịt gà đãi khách, người ta chưa mời, bạn chớ có gắp cái đầu gà và chân gà. Vì người Thái có tục xem đầu gà, chân gà. Đơn giản là xem khách đến nhà hôm nay có may mắn, tốt lành không, khách đi hướng nào thì thuận lợi…
Mâm cơm đãi khách quý, dù rất nhiều món chế biến từ thịt bò, thịt lợn nhưng vẫn không thể thiếu thịt gà, nếu không có thịt gà thì dứt khoát phải có món trứng gà. Đơn giản vì thịt lợn, thịt trâu, thịt bò thì không thể tiếp khách cả con. Tiếp khách quý phải là cả con, có thế mới đầy đủ, trọn vẹn.
Quả trứng tuy là nhỏ nhưng nó tượng trưng cho cả một con gà. Nếu có khách bên đằng nhà vợ đến thăm, cũng đón tiếp thịnh tình như thế. Ông Lường Văn Tun bảo: “Anh em nhà mình đến thì có gì ăn nấy, nhưng mà bên ngoại, anh hay em của vợ đến thì phải "chạy" rồi, phải có mâm cơm tương đối rồi. Kể cả là em, nhưng mà là em vợ, nó thay gia đình vợ đến thăm, thay ông ngoại đến thăm. Cho nên dứt khoát là phải mổ gà, không có con gà thì bắt buộc phải rán trứng, tượng trưng là tiếp bên ngoại cả con chứ không phải một nửa, một góc. Nhất là phải còn nguyên đĩa đầu cánh, chân, để chỗ hai chén rượu kia và không ai được ăn. Điều đó “nói lên rằng bên ngoại là qúy lắm, gia đình tôi tiếp đãi rất trọng thị, cầu chúc cho ông (cho anh) sự đủ đầy, viên mãn, sự sinh sôi phát triển”.
Nhà sàn Thái - “đầu kê núi, chân kê suối”…
Như nhiều gia đình người Thái ở bản Nà Lĩnh, (Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La), nhà sàn của ông Lường Văn Tun không còn nuôi trâu bò, gia súc dưới gầm sàn. Nhà sàn Thái truyền thống bao giờ cũng có hai cầu thang. Cầu thang bên phải gọi là bên “quản” dành cho đàn ông, cầu thang bên trái lên phía bếp gọi là bên “sàn” dành cho đàn bà.
Ông Tun rất tự hào về ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc mình: Nhà sàn trước đây bao giờ cũng có “khau cút” ở hai bên đầu hồi, có hai cái chái hình mai rùa. Nó không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn có tác dụng chống gió lốc xoáy; Quy định tất cả cửa sổ, cửa ra vào phải là số lẻ, với cái lý rằng, người còn sống thì phải làm lẻ. Đó là con số của sự phát triển. Khi nhắm mắt xuôi tay, làm nhà “ma” thì mới làm số chẵn.
Lên nhà ông Tun phải leo lên một con dốc khá cao, căn nhà sàn lưng tựa vào núi, nhìn ra thung lũng, nói như ông Tun: giống như khi ta ngủ, “đầu thì kê núi, chân thì kê suối”. Có thế làm ăn mới phát tài, sức khỏe mới đảm bảo. Ấy là “phong thủy” của người Thái.
Bây giờ ở bản Nà Lĩnh, hầu hết các ngôi nhà sàn Thái đều lợp mái ngói, chứ không lợp tranh như trước, cho nên hai đầu hồi cũng không làm mái tròn hình mai rùa nữa. Cột chống sàn nhiều nhà làm bằng bê tông song vẫn phải có hai cầu thang, chắn song cửa sổ vẫn phải làm theo số lẻ, con số của sự phát triển theo quan niệm từ bao đời nay.
Lên nhà mới phải mang theo con mèo
Nếu đến bản Thái đúng ngày có gia đình dọn về nhà mới, thế nào bạn cũng được mới dự lễ lên nhà mới. Người Thái cũng giống nhiều tộc người khác ở nước ta, coi làm nhà là một việc hệ trọng. Cho đến nay, khi dựng được ngôi nhà sàn mới, họ làm lễ lên nhà mới rất cẩn thận, tuân thủ nhiều tập quán cổ truyền.
Ông Lường Văn Sáng ở thôn Nà Lĩnh, Chiềng Ly, Thuận Châu là người thạo tập quán làm nhà, làm lễ lên nhà mới: “Chủ hộ, hai vợ chồng lên trước sau đó con cái theo sau. Trong nhà đã bố trí một ông tượng trưng cho dòng họ. Chủ hộ bước chân vào nhà, bèn hỏi: “Bây giờ tôi đã dựng nhà mới rồi, tôi xin đến ở trọ thì có được không?”. Ông kia đáp lại: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, lên nhà đi. Mừng nhà mới, làm ăn phát tài, thịnh vượng”.
“Khi vào nhà mới, dứt khóat là phải mang theo con mèo. Nó tượng trưng cho linh hồn nhà đấy, giữ cho nhà mình yên ổn” – Ông Sáng giảng giải. Một cái cày, cái ninh, rồi đến gánh thóc, chăn đệm, những vật dụng cần thiết lần lượt được chuyển lên. Vợ chồng ông chủ nhà, con cái, rồi mới đến con dâu, con rể, cháu chắt, cứ theo thứ tự mà vào. Bà chủ phải nổi lửa, đồ xôi ngay. Cà nhà hồi hộp nhìn chăm chăm vào cái ninh chờ đợi ...xôi bốc khói. Nếu hơi bốc lên đều mọi người sẽ thở phào. Năm ấy làm ăn sẽ phát tài!
Người Thái vào nhà mới không được quên thắp đèn và ngọn đèn ấy phải chăm chút sao cho không bao giờ tắt cả ngày lẫn đêm. Họ cho rằng, nếu để gió thổi tắt đèn thì làm ăn sẽ thất bát.
Thế nên, nếu được mời ngủ nhà sàn Thái dịp này, bạn chớ vô ý làm tắt ngọn đèn "tâm linh" ấy!
Theo Minh Huệ/VOV4
Du lịch, GO!
Một số điều lưu ý khi vào thăm bản dân tộc.
Những điều lưu ý khi thăm nhà người Thái.