(Zing) - Đó là cầu sắt hơn 100 tuổi, cầu lớn đầu tiên do Việt Nam thi công, cầu đường sắt 2 tầng, cầu rộng nhất thủ đô, cầu vượt sông dài nhất, cầu dây văng lớn nhất Việt Nam...
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, do Pháp xây dựng năm 1898-1902. Những năm 80 và trước đó cầu chủ yếu phục vụ xe đạp, người đi bộ. Khi cầu Chương Dương quá tải, cây cầu trăm tuổi này cầu phải cõng thêm hàng nghìn lượt xe máy mỗi ngày.
Hiện nay, cầu Long Biên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Và để giữ lại biểu tượng của thủ đô 1.000 năm văn hiến, Hà Nội đang lên kế hoạch xây dựng cầu đường sắt sát cây cầu độc đáo này.
Năm 1985 - 1986, cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng, trở thành nút giao thông quan trọng và hiệu quả của thủ đô. Thiết kế ban đầu ước tính đáp ứng được 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe cộ tăng gấp 3 - 4 lần. Cuối những năm 90, cầu Chương Dương liên tục quá tải, Hà Nội liền cho xây dựng hệ thống vòng xoay ở phía Nam của cầu góp phần giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở lối lên xuống (hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật).
Cầu ở vị trí km 170+200 quốc lộ 1A, dài 1230 m, gồm 21 nhịp, chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m. Kiến trúc cầu Chương Dương không có gì nổi bật nhưng điểm nhấn thành công của nó là cây cầu lớn lần đầu tiên không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của kỹ sư nước ngoài khi thiết kế và thi công tại Việt Nam.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Hà Nội, Công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành năm 1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội.
Cầu có giàn thép dài 3250 m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ.
2 làn cầu riêng biệt, rộng 3,5m (1 làn) dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng rộng 11 m, và xe máy, xe đạp.
Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, mặt cầu bê tông, 2 làn dành cho người đi bộ thăm quan. Trước khi cầu Nhật Tân khánh thành, cầu Thăng Long vẫn là nút giao thông trọng điểm của thủ đô nối các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên... và là trục chính đi và về giữa sân bay Nội Bài.
Tháng 2/2007, cầu Thanh Trì mới khánh thành và thông xe. Đây là cây cầu lớn nhất trong dự án các cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cầu bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).
Cầu Thanh Trì dài 3.084 m, tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 80 km/h.
Do Thanh Trì ở quá xa cửa ngõ thủ đô nên sự xuất hiện của cầu Vĩnh Tuy vào tháng 9/2010 mới chính thức góp phần giảm ùn tắc triệt để cho cầu Chương Dương. Cây cầu dài hơn 3,5 km này nằm tại địa phận phường Vĩnh Tuy (nối quận Hai Bà Trưng và Long Biên), nằm song song giữa cầu Thanh Trì và Chương Dương.
Cầu bắt đầu từ điểm giao với đường Nguyễn Khoái - Minh Khai, kết thúc tại điểm giao Long Biên - Thạch Bàn.
Khánh thành tháng 6/2014, Vĩnh Thịnh là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hồng đã đi vào sử dụng này là một trong 3 tuyến vành đai quan trọng thuộc quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trước đây các phương tiện phải đi phà Vĩnh Thịnh, tuyến huyết mạch giao thông chính nối Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Điểm đầu giao với quốc lộ 32 tại tuyến tránh thị xã Sơn Tây, điểm cuối nối với quốc lộ 2C thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đây là điểm giao giữa các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc.
Nhật Tân, cây cầu thứ 7 trong tổng số các cây cầu qua sông Hồng tại Hà Nội sắp khánh thành. Đây là một phần trong tổng dự án đường vành đai 2, tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội, tổng chiều dài 43,6 km.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Phần chính của cầu gồm dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500 m. Dự kiến vào tháng 1/2015, cầu Nhật Tân sẽ được thông xe.
Theo Mạnh Thắng (New Zing)
Du lịch, GO!