Friday, October 17, 2014

Những cụ cây ngàn tuổi ở VN

Từ lâu, trong đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt Nam, những cây cổ thụ mà tuổi có thể đến trên dưới số ngàn đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi này không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn là những địa danh du lịch vô cùng kỳ thú. Nhiều cây đã trở thành biểu tượng của một miền đất, địa điểm tâm linh hay một thời kỳ lịch sử...
Ta hãy điểm qua một số cụ  cổ thụ này nhé:

Cây Táu ở đền Thiên Cổ

Việt Nam hiện có 500 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, trong đó già nhất là cây Táu 2.100 năm ở Phú Thọ. Cây Táu ở đền Thiên Cổ (ở thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có từ thời An Dương Vương, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) công nhận đây là cây di sản ngày 28/5/2012.

Ngay từ khi được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, Hội BVTN-MT trung ương và địa phương đã vận động, hướng dẫn nhân dân cùng chăm sóc cây theo khoa học. Nhờ tháo dỡ kịp thời những khối đât đá bị chèn ép quanh thân, mở rộng không gian sống, bón phân, loại bỏ nấm mốc và những cây ký sinh, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh… nên mùa Xuân này “cụ” Táu hơn 2.000 tuổi đã có nhiều cành nảy lộc xum xuê.

Cây đa Tân Trào

Cây đa Tân Trào là một trong những điểm tham quan của Khu di tích lịch sử Tân Trào, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và là một biểu tượng của cách mạng tháng Tám.

Cây đa Tân Trào trước đây gồm 2 cây, được gọi là cây "đa ông" và cây "đa bà", mọc cách nhau khoảng 10m. Song cây "đa ông" bị bão thổi đổ, chỉ còn một nhánh nhỏ. Còn cây “đa bà” do tuổi cao cùng những biến động khắc nghiệt của thời tiết đã gần như chết khô, chỉ còn duy nhất một cành còn sống. Được sự chăm sóc tận tình, hiện nay cây đa Tân Trào đang hồi sinh trở lại.

Cây Sanh “Cổ Lão Thần Mộc” hơn 800 tuổi

Cây Sanh ở làng Suối Cốc có tuổi thọ trên 800 năm đã trở thành "báu vật" của làng. Bóng cây phủ kín gần 100m2 với hàng chục thân trụ và hơn 40 thân nhánh được thiên nhiên "cắt tỉa" thành hình con hươu cao cổ. Con đường làng đi qua dưới vòm hai thân trụ cổ thụ. Người dân cho rằng, đó là cái cổng làng "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Điều đặc biệt, nếu tính tổng số thân và nhánh cây vừa đúng con số 54, vừa khớp với 54 dân tộc Việt Nam.

Thời Hậu Lê, có một vị quan vi hành ngang qua đã mời một thầy địa lý đến để xem xét. Thầy địa lý phán rằng: Nơi đây có phong thủy cực kỳ đắc địa. nơi đất thiêng, cây Sanh hấp thụ được linh khí của đất trời. Vị quan đó đã phong chức cho cây Sanh này là "Cổ Lão Thần Mộc".

Cây me Núi Tô 600 tuổi

Ở sóc Suôi, ấp Tô Trung xã Núi Tô huyện Tri Tôn có 1 cây me hơn 600 tuổi. Đây là báu vật chung của đồng bào Khmer.

Cây me có bề ngang khoảng 6 mét, chiều cao trên 30 mét, tán rộng hơn 1.200 m2. Người dân trong sóc Suôi xem cây cổ thụ như chỗ dựa tinh thần của cả làng.
Vào những ngày rằm, lễ, tết, bà con trong sóc thường tổ chức cúng tại cây me này để cầu cho mưa thuận gió hòa, con cháu  khỏe mạnh, ruộng rẫy trúng mùa.

Cây Sa Mu Dầu - Pù Mát

Cây Sa Mu Dầu hơn 1000 năm tuổi ở vườn quốc gia Pù Mát của tỉnh Nghệ An. Đây cũng là cây cao nhất Việt Nam với chiều cao trên 70 mét, đường kính 5,5 m, chu vi thân 23,7 m. Cây này được VACNE công nhận đúng vào ngày 29/4/2009 tỉnh Nghệ An đón nhận bằng chứng nhận Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An của Tổ chức Giáo dục Khoa học&Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO). Loài cây này được đưa vào sách đỏ Việt nam và thế giới; xếp nhóm IIA Nghị Định 32/ NĐ – CP của Chính phủ; được thực hiện chế độ quản lý đặc biệt, do nguy cơ tuyệt chủng cao.

Vườn chè cổ thụ Suối Giàng

Ai đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều không khỏi ngỡ ngàng trước những thừa vườn bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Theo thống kê, có tới hàng nghìn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi ở Suối Giàng, trong đó có những cây trên 300 năm tuổi, được xếp vào hàng những cây chè “thủy tổ” của thế giới.

Những cây chè Suối Giàng thuộc giống chè shan tuyết nổi tiếng. Loài cây này càng già thân càng trắng, tạo hình uốn lượn xù xì, lá cành xanh ngắt mang đậm một vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng. Vào vụ hái chè, các thôn nữ lên nương khoảng từ 4 đến 5h sáng, khi sương sớm còn đọng trên những búp chè non để có được chè ngon, tinh khiết nhất. So với các dòng chè khác của Việt Nam, từ xưa chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so. Ngày nay đây vẫn là một đặc sản nức tiếng của Yên Bái.

Cây dã hương ngàn tuổi ở Lạng Giang

Tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có cây dã hương nổi tiếng được ước lượng đã phải hơn 1.000 tuổi rồi. Gốc cây to đến 8 người ôm, vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m.

Nhiều người cho rằng, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà cư dân ở đây có một sức khỏe tốt, ít bị các các bệnh dịch truyền nhiễm.

Cây đa Sơn Trà

Tại tiểu khu 63 thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) có rất nhiều cây đa tạo thành quần thể đa, trong quần thể này có 1 cây đa rất đẹp với nhiều rễ phụ rủ xuống đâm sâu vào lòng đất tạo nên nét đẹp hiếm nơi nào có được. nhiều người còn gọi Cây đa đại thụ là Bách niên đại thụ hay cây đa ngàn năm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà, cây đa này có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m cùng những hình thù khác nhau, tán lá chằng chịt, xum xuê. Cây đa này được coi như cây di sản của thành phố và đang được khách du lịch đến tham quan.

Cây nhãn tổ Phố Hiến

Chùa Hiến thuộc thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên được khách thập phương biết đến không chỉ vì lịch sử hàng trăm năm mà còn vì cây nhãn tổ có tuổi đời cũng lâu như chùa vậy.

Nằm ở vị trí trang trọng trước cửa chùa với, cây nhãn tổ gây ấn tượng mạnh mẽ bởi dáng vẻ gân guốc, cuồn cuộn sức sống của một chứng nhân lịch sử. Cây nhãn tổ đã trở thành biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.

Tương truyền vào thời xưa, mỗi mùa nhãn chín, người dân chọn hái những quá đẹp nhất trên cây để dâng Đức Phật, cúng Thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Ngày nay, cây nhãn tổ đã trở thành biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.

Cây đa - gạo miếu Nghè, Yên Lạc, Vĩnh Phúc

Cụm cây cổ thụ đa - gạo quý hiếm nằm trên địa phận làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụm cây Đa - cây Gạo miếu Nghè làng Lưỡng Quán có chu vi xấp xỉ 11 mét, đường kính gần 4m, chiều cao cây lên tới 38m, chu vi tán cây lên tới gần 200m. Gốc đa cổ thụ lớn bao quanh hai gốc cây gạo ở giữa, tạo thành một khối hợp thể độc đáo trên bầu trời.

Cụm cây đa – cây gạo hội tụ đầy đủ các giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh. Về giá trị văn hoá: Cây đa- cây gạo là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái của người dân 3 làng Lưỡng Quán. Hàng năm, vào ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng, làng tổ chức lễ hội, trước khi vào lễ, làng tổ chức rước kiệu từ Đình ra Miếu để rước văn về Đình.

Về giá trị lịch sử: Dưới gốc cây đa – cây gạo, vào những năm 40 của thế kỷ 20, chi bộ Đảng đầu tiên của xã thường tổ chức họp tại đây. Năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được các Đảng viên treo trên ngọn cây gạo. Thời Pháp thuộc, quân đội viễn chinh Pháp đã dùng cây gạo làm mốc mục tiêu để bắn pháo vào các làng mạc do Việt Minh kiểm soát. Về giá trị tâm linh: Cây đa – cây gạo gắn liền với miếu Thiên Cổ (miếu Nghè), từ lâu đã trở thành điểm tâm linh cho người dân Lưỡng Quán và vùng phụ cận.

Cây thị ngàn tuổi ở đền Ông - Tràng An, Ninh Bình

Xưa, tương truyền rằng khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, có 7 vị quan đại thần trong triều tự tay khâm liệm đức vua, làm quan tài giả chôn cất theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau đó, 7 vị trung thần ấy chung nhau uống một chén rượu độc cùng tuẫn tiết vì vua. Một viên quan trấn giữ thành Nam, tước hiệu là Đinh Công Tiết Chế đã lập đền thờ và trồng một cây thị ngay bên phiến đá 7 vị đại thần tuẫn tiết… Cây thị bây giờ vẫn còn, tính theo năm vua Đinh Tiên Hoàng mất, thì tuổi của gốc thị đoán đã ngàn năm có lẻ.

Điều kỳ lạ của cây thị không chỉ ở những u, những trếu bám chặt xung quanh và trùm lên phiến đá “đá níu cây - cây ôm đá” mà còn bởi quả của cây thị, một nửa là quả tròn, một nửa là quả vuông.

Vườn muỗm nghìn tuổi đất Thăng Long

Hà Nội có rất nhiều cây cổ thụ nổi tiếng, nhưng không phải vô cớ mà “vườn muỗm 1.000 tuổi” ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội) lại là đối tượng đầu tiên được đưa vào danh sách Cây di sản của Thủ đô. Toàn bộ mảnh vườn rộng gần 2.000 m2, được phủ bóng mát bởi vòm lá rậm rạp của 8 cây muỗm đại thụ. Những cây muỗm này đều cao to khác thường so với những cây muỗm khác ở Hà Nội, cây to nhất chu vi thân lên tới 4,21 m, cao 26 m.

Theo khảo sát năm 1999 của một nhóm khoa học quốc tế, độ tuổi của vườn muỗm dao động từ 700 đến gần 1.000 năm. Người già trong khu vực tin rằng những cây muỗm đã được trồng từ khi làng mới thành lập, tức là cách đây 1.000 năm. Tương truyền, quanh đền Voi Phục có 9 cây muỗm do quan niệm dân gian coi số 9 là biểu tượng cho sự trường cửu. Ngày nay, bên cạnh 8 cây trong đền, còn một cây muỗm khác cũng được cho là cùng niên đại nằm ở bên kia đường, lọt thỏm giữa khu nhà cao tầng của dân.

Theo người quản lý đền Voi Phục, cây muỗm này vốn được trồng cạnh giếng ngọc của đền. Tuy nhiên, sau này người dân đã lấn chiếm, lấp giếng ngọc làm nhà rồi mở đường xuyên qua mặt đền nên cây muỗm bị chia cắt khỏi khuôn viên đền.

Cây đa - thị ở Lam Kinh, Thanh Hóa

Tuy không biết chính xác cây cây Đa - Thị có từ khi nào nhưng câu chuyện đầy vẻ liêu trai về cây vẫn được lưu truyền đến nay. Chuyện lưu truyền rằng: Trên 300 năm trước, cạnh môn quan vào Lam Kinh có một cây thị tươi tốt. Rồi tự nhiên có một cây đa mọc bên cây thị. Cây đa lớn rất nhanh cao hơn cây thị, rễ cây đa cứ theo chiều dài năm tháng quấn quýt xung quanh gốc thị… Bởi thế, những người trông coi bảo vệ Lăng cũng như dân trong vùng coi đây là điều kỳ lạ và lưu truyền cho đến tận ngày nay về câu “chuyện tình” cây đa-thị ở Lam Kinh.

Năm 2005, bỗng dưng cây thị lá ủ rũ rồi khô cành. Đến năm 2007, cây thị bỗng đâm chồi nảy lộc và ra nhiều quả, hết mùa thì cây thị khô dần đến chết. Đến tận bây giờ “hài cốt” của thị vẫn được cây đa ôm ấp.

Cây chò ngàn năm của rừng Cúc Phương

Ở Vườn Quốc gia Cúc Phương có cây chò xanh ngàn năm nổi tiếng. Cây chò có tuổi đời khoảng 1 nghìn năm có thân cao trên 60m với ba nhánh, bộ rễ cây ăn rộng cỡ 200m² và ngoằn nghèo nổi trên mặt đất như những con trăn khổng lồ. Vòng thân của gốc cây khoảng 30 người nắm tay nhau mới ôm kín.

Có thể chưa đủ... nhưng mấy ai thống kê được tất cả những cụ đại thụ trên toàn cõi VN ngoại trừ những điểm quá nổi tiếng? Thôi thì biết qua cũng còn hơn không biết. Khi nào có đến những địa phương này, bạn hãy đến thăm những 'cụ cây' đã sống vượt thời gian.

Tổng hợp
Du lịch, GO!