(iHay) - Miền Tây đẹp giản dị như một cô thôn nữ hiền hòa, mộc mạc mà bạn phải 'có duyên' mới cảm nhận hết nét cuốn hút, để rồi yêu cô ấy lúc nào không hay.
< Đường vào rừng tràm Trà Sư.
Từ tháng 9 - 11 là thời điểm rất đẹp ở miền Tây khi những con nước tràn về, mang theo phù sa màu mỡ và nguồn tôm cá dồi dào trên những cánh đồng. Để khám phá miền Tây mùa nước nổi, chúng tôi đi theo lộ trình đường N2 từ Long An qua Đồng Tháp, đến An Giang.
< Đò đưa khách qua sông.
Nếu ai đã từng đi phượt miền Trung, chắc hẳn sẽ thường chọn cung đường ven biển tuyệt đẹp qua Vũng Tàu - Bình Thuận. Cung đường N2 cũng có thể được ví như "cung đường ven biển" của miền Tây, vì đi đường này có thể tránh được đường quốc lộ 1A đông đúc và còn được ngắm nhìn những cánh đồng ngập nước mênh mông.
< Đồng sen bao la.
Ngày đầu tiên, chúng tôi đến khu đồng sen ở Tháp Mười (Đồng Tháp). Nhìn từ xa, những bông sen hiện ra lung linh, lấp lánh dưới nắng tuyệt đẹp. Bạn có thể đi ghe vào giữa đồng sen để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây.
< Đường vào Tràm Chim.
Sau khi nghỉ trưa tại khu vực đồng sen, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Tràm Chim rất đẹp vào khoảng tháng 11 - 12. Đến đây vào thời gian này, chúng tôi không bắt gặp nhiều loài chim như kỳ vọng. Thay vào đó chúng tôi lại có trải nghiệm vô cùng thú vị khi đi ghe qua những khu rừng tràm nguyên sinh và nghe sự tích hấp dẫn về loài lúa ma hay còn gọi là lúa trời.
< Đồng lúa ma.
Gọi là lúa trời vì đây là giống lúa tự mọc, nước dâng đến đâu lúa cao đến đó. Lúa cho hạt gạo đặc biệt thơm ngon. Còn gọi là lúa ma là vì khi lúa đơm bông, chỉ cần gặp ánh sáng là hạt rụng ngay. Chỉ có thể thu hoạch lúa về đêm, dùng thuyền có mái đập, đập bông vào máng thuyền, hạt nào chín thì rụng, sống thì thu hoạch lần sau. Lúa ma không chín một lần như lúa bình thường.
< Mênh mông rừng tràm.
Để bảo tồn giống lúa quý này, Vườn quốc gia Tràm Chim chỉ cho phép người dân thu hoạch khi có đăng ký. Khách du lịch cũng có thể được trải nghiệm thu hoạch lúa ma vào ban đêm, nghe đờn ca tài tử... sống như người dân sông nước thực thụ.
Ngày thứ hai, chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị cho hành trình khám phá Búng Bình Thiên, hay còn gọi là hồ Nước Trời (huyện An Phú, tỉnh An Giang). Truyền thuyết kể rằng cuối thế kỷ 18, vào một mùa khô hạn, một viên tướng của nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời đất để tìm nước cho binh sĩ. Khi ông rút gươm đâm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là hồ Nước Trời.
< Những cánh đồng ngập nước.
Đường đến Búng Bình Thiên khá chằng chịt. Chúng tôi phải len lỏi qua nhiều con đường nhỏ, đi qua nhiều chuyến đò khác nhau. Cảm giác đi đò ở miền Tây vừa hấp dẫn lại vừa mạo hiểm. Bạn sẽ thấy nước sông dường như dâng ngập con đò máy, cứ như là con đò sắp sửa chìm vậy.
< Rừng tràm Trà Sư xanh mướt.
Ngày thứ ba, chúng tôi dậy sớm, sửa soạn hành trang cho chuyến khám phá rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang). Ngồi trên xuồng, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp của khu rừng với bốn bề được bao phủ bởi một màu xanh của những hàng cây tràm thẳng tắp, và những lớp bèo cái li ti. Cùng với tiếng mái chèo rẽ nước là tiếng của những chú chim ríu rít đâu đó trên những ngọn cây tràm, thật bình yên và êm ả.
< Trên đỉnh núi Cấm.
Rời rừng tràm Trà Sư chúng tôi đi đến núi Cấm. Ban quản lý núi Cấm không cho phép chạy xe lên đỉnh. Nếu muốn đi, bạn phải thuê xe ôm với giá 40.000 đồng/lượt, hoặc thuê xe du lịch đi theo đoàn. Nhóm chúng tôi quyết định gửi xe máy và đi bộ lên đỉnh, sau đó đi xuống bằng xe ôm với giá 25.000 đồng/người.
Núi Cấm, hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn, có độ cao 705 m, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn. Có nhiều giả thuyết về tên gọi núi Cấm, trong đó có giả thuyết ngày xưa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải chạy vào núi này nương thân. Vì muốn giấu tung tích, nên vua đã ra lệnh cho các cận thần phao tin trên núi có ác thú, yêu quái để cấm dân chúng vào núi. Hiện nay trên núi cũng có một đền thờ Nguyễn Ánh.
Sau khi tham quan núi Cấm, chúng tôi hỏi đường để đến chợ biên giới Tịnh Biên nằm ngay cửa khẩu biên giới với Campuchia. Ghé thăm vùng biên trù phú này của Tổ quốc trên bước đường phiêu bạt cũng là một trải nghiệm khó quên với chúng tôi. Cả đoàn khép lại hành trình 4 ngày 3 đêm rong ruổi qua các tỉnh miền Tây mùa nước nổi đầy thú vị.
Theo Phan Lộc (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!