Saturday, October 25, 2014

Làng đảo làm du lịch

(BQN) - Thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) heo hút, hoang vắng ngày nào giờ trở thành làng du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Cù Lao Chàm. Với dân số chỉ 500 người nhưng bình quân mỗi ngày làng đảo đón khoảng 300 du khách, người lại dân có thêm kế mưu sinh mới: dịch vụ du lịch.

1. Mùa này vào sáng sớm, đảo thường chìm trong sương mù. Hơi sương mặn chát trắng như tuyết bao phủ lấy người. Sáng nay, mấy chục phụ nữ thôn Bãi Hương quần xắn ống cao ống thấp lại lục đục soạn bàn ghế, chèo thuyền thúng kéo những lồng tôm, cá, ghẹ, mực… còn sống rộng dưới biển lên để chuẩn bị phục vụ du khách. Tiếng í ới gọi chồng đi biển về hòa lẫn với tiếng chân trần vội vã trên cát làm nhộn nhịp cả một góc biển chưa tan sương.

Mặt trời ló khỏi núi, đoàn ca nô hàng chục chiếc nối nhau cập cảng. Hàng trăm du khách ngoại quốc bước lên đảo xí lô xí là ngơ ngác trước cảnh vật thơ mộng, hoang sơ, con người xứ đảo mộc mạc. Cái chợ độc đáo hàng hải sản tươi sống ở đây cũng chẳng giống ai, chỉ đơn giản vài khúc cây đóng tạm và đông từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Những phụ nữ mới hôm nào theo chồng đánh cá, gương mặt còn hiện rõ nét rám nắng gió biển, nay đã biết cách tươi cười luôn miệng mời gọi khách mua hải sản. Toàn bộ là khách nước ngoài mà những phụ nữ ở đây cứ mời chào bằng tiếng Việt với cái giọng đảo rặt Quảng khiến nhiều người ngẩn ngơ. Tôi hỏi một chị đang giơ tay chào hàng với khách: “Sao chị không nói tiếng Anh để mời?”. “Tiếng Anh chỉ nói bập bẹ tiếng bồi, ở đây chủ yếu là khách Trung Quốc, ít người biết tiếng Anh”. Ông chồng chị đứng bên nghe vậy liền lên tiếng, “bà nói “tiếng anh” giỏi lắm mừ. Lâu ni bả nói “tiếng anh” sành đến nỗi tôi đau đầu: anh ơi hết gạo rồi, anh ơi nộp tiền học cho con…”. Sự khôi hài của người chồng khiến cả chợ cười rân.

Tôi hỏi một phụ nữ khác, “khách Trung Quốc đông, mấy chị không biết tiếng Trung làm sao mời được?”. Chị nói: “Hồi trước mới mở ra thì chưa có kinh nghiệm, mời mọc không mỏi miệng mà múa miết mỏi rớt cái tay. Có thằng khách nó mua hàng hải sản rồi, không thích ăn tươi tại chỗ, sợ tốn tiền nấu nên đem về khách sạn, nói mình bỏ đá vào ướp. Nó nói tự nó hiểu, mình nghe căng não nhức đầu, nói miết nó mỏi miệng, phì bọt mép, đến khi nó co hai tay lại, run mình, miệng hít hà mới biết là cần đá lạnh. Chừ mình có nhân dân tệ của Trung Quốc, khi mình bán con cá, con mực giá bao nhiêu thì đưa ra cho nó biết, rứa là xong”.

Những phụ nữ của Bãi Hương hôm nay khác trước nhiều, từ ngư dân trở thành tiểu thương, ai cũng đeo 2 - 3 túi đựng tiền, từ tiền Việt, nhân dân tệ, yên Nhật đến cả đô la… Không biết nhiều ngoại ngữ nhưng tài nghệ của con mắt các chị là nhìn vào phân biệt được ngay đâu là khách Nhật, Hàn, Trung Quốc. Khi có khách là đoán được người nước nào, chìa ngay tiền ra, tay chỉ vào thau hàng mời mua. Tôi hỏi: “Khách mua có trả giá nhiều không chị?”. Chị Hoa – một “tiểu thương” rùng mình, lè lưỡi lắc đầu: “Chu choa, gặp trúng khách Trung Quốc, chằn ăn trăn quấn, nó trả chảy chanh chảy bứa em ơi, dễ chi hắn mua”. Chị nói chuyện mà ánh mắt vẫn dõi theo những khách Trung Quốc ngắm nhìn các thau ghẹ đang bì bõm.

2. Nếu ai đã đến thôn Bãi Hương hôm nay thấy cảnh đông vui, tất bật của người dân phục vụ khách du lịch cứ ngỡ đây là chốn dễ hái ra tiền. Anh Nguyễn Dũng, nhà địa thế ngay mặt tiền, được xem là rộng nhất nhì của làng nên mở dịch vụ nấu đồ tươi cho khách. Có khách là nhà chật kín chỗ. “Mỗi ngày anh kiếm được bao nhiều?”. “Tùy, đông khách thì kiếm bốn, năm trăm ngàn, ít thì hai ba trăm. Nhưng chanh chua lắm em ơi, ngày nào xui xẻo mà gặp khách “đểu” thì mình ná thở. Có hôm mình nấu dọn, bàn ghế hẳn hoi, một nồi tính 50 nghìn đồng, kể cả công phục vụ mà có người chê đắt. Nấu gần chín là bọn nó xuống bếp ngồi canh chừng, sợ mình lấy bớt, hồi dọn ra bàn nó đếm từng con…” - anh Dũng nói.

Cách đây một năm về trước, Bãi Hương lúc nào cũng yên tĩnh. Từng cặp vợ chồng đi biển về, 8 giờ sáng mới đỏ lửa thổi cơm, ngày chỉ hai bữa. Đàn ông đi biển về tụ lại từng nhóm, mắt trông ra biển, tay nâng ly rượu cụng đến trưa rồi ngủ khì cho hết ngày, chỉ mấy bà vợ ngồi vá lưới khòm lưng. Nếu ai lỡ ở lại làng đói bụng, đi tìm quán ăn đỏ con mắt. Chị bán thịt trên trung tâm xã (thôn Bãi Làng) tâm sự, vì Bãi Hương cách trung tâm xã 5 cây số đường núi vòng vèo nên các loại hàng hóa cũng “đứt bữa”. Ở đây mỗi ngày chỉ bán đúng 3kg thịt, nếu đem xuống 3,1kg thì mang về một lạng, người dân ở đây sống chắt chiu từng đồng.

Gần một năm nay, du lịch phát triển, khách đến nườm nượp. Du lịch đổi thay cả cảnh vật đến con người. Ban ngày không còn thấy cảnh các đấng mày râu xúm tụm cụng ly côm cốp. Khách đông, từ vợ đến chồng làm du lịch. Ông Hai (một người dân địa phương) năm nay đã ngoài bảy mươi, ngồi dưới gốc dừa nhịp đùi nhâm nhi cà phê, nheo mắt nhìn những chiếc thuyền đánh cá chập chờn với sóng. Vừa thấy tôi, ông Hai cất giọng sang sảng: “Chú mi mới ra hả?”.

Chưa kịp trả lời, ông nói tiếp: “Chà, lâu quá mới gặp lại chú mi, mà chừ có thằng mô rảnh làm ly hè?”. “Đi mô hết ông?”. “Ồ, mấy đứa lo làm du lịch hết rồi. Ra có lâu không, ở lại chiều tụ hội tâm tình thế thái, hát bô-le-rô cho đã đời hỉ? Bữa ni mồi mỡ dào lắm, cá mực bán không hết, chết là làm nhậu chơi” - ông cười khoái chí. “Nhà ông có ai làm du lịch không?”. “Có chứ, hai vợ chồng thằng ba, vợ bán hàng hải sản tươi sống, chồng ngoáy thúng chai chở khách du lịch đi câu cá, ngắm san hô. Hai vợ chồng kiếm ngày vài ba trăm, thêm làm biển tành tành, đỡ lắm”. “Ai đưa khách ra đây ông?”. “À, thằng Phong rể làng ni, trước kia nó đi sĩ quan bộ đội biên phòng, đóng quân ở đây rồi lấy gái Bãi Hương làm vợ, không biết trúng mánh răng sau khi nó vào đất liền, thành lập công ty du lịch, nhờ nó mà dân làng này chừ có việc làm”.

3. Rảo bước trên làng xứ đảo, ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay quá nhanh. Còn nhớ sau cơn bão số 11 năm 2013, cả làng hoang tàn. Bây giờ không còn cảnh đổ nát, cát tràn ngập đường, thay vào đó là những căn nhà mới khang trang, cây lá xanh tươi. Bãi Hương trước kia được xem là thôn nghèo và khó khăn nhất xã đảo Tân Hiệp. Cách trung tâm xã 5km, thường xuyên bị cô lập vào mùa biển động. Cứ đến cuối năm, địa phương thường xin TP.Hội An, tỉnh cấp gạo cứu đói. Từ khi phát triển du lịch, đời sống người dân khá lên nhiều. Theo thống kê, năm 2012, bình quân thu nhập đầu người/năm ở thôn Bãi Hương là 21 triệu đồng, năm 2013 bình quân thu nhập 24 triệu đồng/người/năm. Những con số thật ấn tượng, kinh tế địa phương phát triển tăng vọt, vượt xa so với nhiều nơi trong đất liền.

Hỏi chuyện người dân làm giàu, ông Trần Hoàng - Trưởng thôn Bãi Hương cho biết, toàn thôn có 94 hộ/500 nhân khẩu, nhờ phát triển du lịch mà đời sống người dân khá hơn. Có 30 hộ tham gia buôn bán hàng hải sản tươi sống, 14 hộ làm dịch vụ lưu trú, nhiều hộ tham gia các dịch vụ khác. Mặc dù nghề biển khai thác được ít hơn nhưng do tôm cá ở đây ăn theo du lịch nên cho giá trị cao hơn trước gấp nhiều lần. Có ngày du khách ra đây nhiều hơn dân số của thôn, không đủ người phục vụ.

Du khách đến với Bãi Hương ngày một đông và người dân khá lên nhờ du lịch là tín hiệu đáng mừng, nhưng nhìn lại sự phát triển quá “nóng” này cũng thấy lo lo. Bãi Hương rồi đây có giữ được nét hoang sơ, yên bình không khi giờ đây phải gồng mình cuốn theo nhịp sống mới?

Theo Minh Hải (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!