(BLC) - Khi ánh mặt trời chiếu những ánh nắng đầu tiên vào cánh đồng, Tân Tiến như rực lên bởi màu vàng của lúa chín, màu nắng xua tan những lớp sương của tiết trời cuối thu. Không còn màu xám ngoét của đá, Tân Tiến giờ đây đã đổi thay từng ngày. Đứng trên tuyến đường mới rải nhựa, phóng tầm mắt ra xa, tôi thấy rạo rực, Tân Tiến thêm một mùa vàng bội thu.
Một thời gian khó
Nằm ở độ cao trên 1.000 m của đỉnh núi Khau Éc, Tân Tiến thuộc diện nghèo và khó khăn nhất của huyện Bảo Yên, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính. Những năm trước đây, khi đường chưa được nâng cấp, xã Tân Tiến như một “ốc đảo”, lọt thỏm trong rừng sâu, tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Chỉ cách đây chưa đầy một năm, khi tuyến đường dài hơn 10 km từ Nghĩa Đô lên Tân Tiến chưa được rải nhựa, màu xám ngoét của đá trong mưa và những ổ voi đầy nước trên mặt đường khiến những ai lên Tân Tiến cũng phải chạnh lòng. Xưa kia, ai đã từng đến Tân Tiến đều thấy cái khó, cái nghèo đeo bám thường trực người dân nơi đây. Các cụ cao niên ở Tân Tiến kể lại rằng: Ngày xưa khổ lắm, chẳng biết làm gì để có cái ăn cho no cái bụng. Giờ dân mình biết làm ruộng, biết chăn nuôi, nên cuộc sống đã khấm khá hơn.
Vì đa số là đồng bào dân tộc (90% là dân tộc Dao, Mông), sinh sống chủ yếu ở trên các triền đồi, quanh năm chỉ biết dựa vào rừng để mưu sinh. Một số hộ người Tày sinh sống ở các vùng thấp, ven các khe suối, nên có điều kiện để cấy lúa nước. Tuy nhiên, do không có kỹ thuật cấy lúa nước, người dân ở Tân Tiến thay nhau phá rừng để làm nương. Từng cánh rừng già cứ thế bị chặt hạ, có những gốc cây cổ thụ đến vài người ôm giờ chỉ còn gốc mục nát, thay thế vào đó là những đám nương của đồng bào.
Người già, người trẻ quanh năm ở trên nương, họ dựng lều ngay trên nương để ở, không còn ai tha thiết với ngôi nhà của mình nữa. Cuộc vật lộn với cái đói, cái nghèo thật khó khăn, dù đã làm nương, nhưng nó vẫn không “buông tha”. Lúc này, một số hộ người Mông ở thôn Nà Phung đã tìm hướng giải thoát cái nghèo bằng hướng bán hết của cải, đất đai để di cư vào Tây Nguyên làm kinh tế. Cuộc di cư diễn ra nhanh chóng, cả bản người Mông bỗng chốc trở nên hoang vu, lạnh lẽo.
< Cây thảo quả ở Tân Tiến.
Do cuộc sống khó khăn, khi cái ăn còn chưa đủ thì làm gì có chuyện lo đến cái khác. Chính vì vậy, Tân Tiến còn là địa phương có tỷ lệ thất học thuộc diện cao nhất của huyện. Đã đói lại thất học, nhiều nhà đông con không có việc gì làm chỉ còn biết nhịn đói nhìn nhau. Trước thực trạng đó, chính quyền xã và nhân dân cùng nhau bàn chuyện xóa mù, xóa nghèo. Xã cử cán bộ đến từng hộ dân để vận động, khuyến khích họ cho con em mình được đến trường, đồng thời tích cực tìm nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thử nghiệm, từng bước giúp nhân dân xóa nghèo, ổn định đời sống, hạn chế việc di cư tự do.
Tân Tiến đổi thay
Khi ánh mặt trời chiếu những ánh nắng đầu tiên vào cách đồng, Tân Tiến như rực lên bởi màu vàng của lúa chín, màu nắng xua tan những lớp sương của tiết trời cuối thu. Không còn màu xám ngoét của đá, Tân Tiến giờ đây đã đổi thay từng ngày, bên các cánh đồng, những ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố không còn sập xệ như xưa.
< Chia khẩu phần ăn cho học sinh bán trú.
Xác định rõ, muốn kinh tế - xã hội ở Tân Tiến phát triển thì cần một “cú hích” tạo đà, huyện Bảo Yên chỉ đạo xã tranh thủ mọi nguồn lực, đầu tư của Nhà nước để xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn, hàng loạt các hạng mục hạ tầng được đầu tư cho Tân Tiến với số vốn hàng chục tỷ đồng như: Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm y tế, điện lưới và mở các tuyến đường tại các thôn… Đặc biệt, Tân Tiến tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng dẫn nhân dân trồng và thâm canh lúa nước, trồng cây thảo quả, trồng rừng sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi…
Chỉ tay về phía 30 ha thảo quả sắp cho thu hoạch. anh Hoàng Văn Pao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Tiến chia sẻ: Trước kia xã còn nhiều rừng già, gỗ quý thì nhiều vô kể. Do hồi đó chưa có chính sách bảo vệ, nên người dân và “lâm tặc” chặt phá đi nhiều, bây giờ chỉ giữ lại được một ít. Cây thảo quả bắt đầu triển khai trồng dưới tán rừng già đó từ năm 2007, lúc đầu do thiếu kỹ thuật chăm sóc cả rừng thảo quả chỉ cho thu hoạch gần 2 tạ quả khô, người dân thấy vậy lắc đầu chán nản, nhưng giờ thì cây thảo quả ngày càng năng suất, xã đang chỉ đạo mở rộng diện tích cây thảo quả và hy vọng ngoài cây lúa, đây sẽ là loại cây giúp người dân Tân Tiến thoát nghèo.
< Làng định cư Tân Tiến.
Sau hơn 10 năm tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay diện mạo ở Tân Tiến đã có nhiều thay đổi, hơn 140 ha lúa được thâm canh bằng các loại giống mới cho năng suất cao (52 tạ/ha), toàn xã có gần 6.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên. Ngoài ra, để tăng thu nhập, người dân trong xã còn tích cực trồng thêm các loại cây: Đậu tương, ngô, lạc và chăn nuôi đại gia súc. . . Dẫu số hộ khá giàu ở xã chưa nhiều, hộ làm kinh tế giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cách nghĩ, cách tiếp cận kiến thức để làm kinh tế, xóa nghèo của người dân Tân Tiến giờ đây đã thay đổi. Thay vì trông chờ vào Nhà nước, phá rừng làm nương, người dân giờ đã biết trồng rừng, giữ rừng và khai thác rừng hợp lý để tăng thu nhập, biết cách cấy lúa nước thay cho làm nương, số lao động dư thừa trong mỗi hộ đã tìm nơi để đi làm thuê, làm ăn xa…Do đó, thu nhập của người dân cũng khá dần, nếu như năm 2007, tỉ lệ hộ nghèo của xã là trên 70% hiện còn hơn 40%.
Cuộc sống của người dân bước đầu ổn định, Tân Tiến quyết tâm xóa mù chữ, chỉ có như vậy mới thoát được cái nghèo, cái khổ. Nếu như trước kia, việc vận động học sinh đến lớp gặp rất nhiều khó khăn, có những lớp học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì giờ đây, học sinh ở Tân Tiến đã quan tâm hơn đến việc học tập, tỉ lệ chuyên cần một số năm trở lại đây luôn đạt trên 90%. Bên bờ suối, tiếng thầy, cô giảng bài, tiếng i tờ học bài của học sinh lớp một vang vọng, phá tan không khí tĩnh lặng của vùng rừng núi. Những ngôi trường được đầu tư xây dựng kiên cố, ngoài 3 điểm trường chính, từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở còn có thêm 11 điểm trường đặt tại các thôn, đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh Tân Tiến. Ngoài ra, hệ thống điện lưới đang được hoàn thiện, tuy một số thôn chưa có điện, nhưng phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đường lên Tân Tiến đã được rải nhựa, thêm vào đó, 5 km đường liên thôn Thác Xa 1 - Nậm Đâu - Nà Phung đã được đổ bê tông. Dẫu quá trình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm thoát nghèo của chính quyền và nhân dân Tân Tiến, trong tương lai, vùng đất này sẽ vừa “Tân” lại vừa “Tiến”, giống như tiếng gọi thân thương Tân Tiến.
Theo Ba Zin (Báo Lào Cai)
Du lịch, GO!