Người Cơ Tu ở đại ngàn Trường Sơn ẩn mình trong các thân cây với chiếc áo đặc biệt khiến họ như “tàng hình” trước kẻ thù. Khi mặc chiếc áo này, họ có thể di chuyển đến bên con thú để săn bắt mà chúng không hề hay biết. Những chiếc áo được làm từ vỏ một loài cây có một không hai của rừng xanh đầy bí ẩn…
Con sông Lăng bắt nguồn từ biên giới Lào, chảy qua Tây Giang rồi hòa vào dòng sông A Vương uốn khúc mỹ miều. Dòng sông trườn mình qua các khe núi, lúc ẩn lúc hiện theo cung đường xa. Từ trên cao nhìn xuống, sông Lăng như con rắn khổng lồ ôm trong mình các bản làng xinh đẹp. Những cánh rừng già nơi dòng sông đi qua luôn ẩn chứa trong mình vô vàn điều kỳ thú.
Xã Lăng, trung tâm hành chính cũ của huyện Tây Giang nằm trên một triền đồi bát ngát, xa xa là mé sông. Thôn Pơ Ning của già làng Clâu Nâm ẩn mình dưới những tán cây xanh rợp bóng. Những mái nhà sàn chen chúc nhau xoay tròn trên một ngọn đồi, chính giữa là gươl của làng. Những nét mộc chạm khắc rất thô sơ về cuộc sống của ngôi làng, từ cảnh săn bắt, tỉa lúa, trồng bắp, đặt bẫy, gài thò, con nai, con hổ, con gấu ngựa, người đàn bà dệt vải… đều được thể hiện trên các thân cột lớn của gươl. Khách lạ dạo một vòng quanh gươl có thể biết được phần nào cuộc sống, sinh hoạt và những nét tâm linh của bản làng.
Vượt rừng tìm cây
Thấy khách lạ, già Clâu Nâm ngừng tay rựa. Những thanh tre to như chiếc đũa, vót nhọn, một đầu đuôi đã gắn lá tro, hàng chục mũi tên sắp hoàn thành. Già Nâm cho biết, số tên ông vót là để chuẩn bị cho một chuyến vượt rừng già ngược con sông Lăng tìm Tr’rang chứ không phải đi săn thú. Công việc vào rừng của bất kỳ người đàn ông Cơ Tu nào đều đòi hỏi phải mang những thứ vũ khí thô sơ như nỏ, giáo, rựa… phòng thân. Đặc biệt, với người đàn ông 83 tuổi, từng là chiến binh của rừng xanh một thuở, thì việc nỏ tên mang theo của già Nâm là không thể thiếu.
Theo già Nâm thì tr’rang là một loài cây ở rất xa, đầu nguồn con sông Lăng, muốn tìm thấy loài cây này phải rất công phu nên ông chuẩn bị cho một chuyến băng rừng từ sáng sớm. So với cây t’cóng, t’dúi, amướt… thì tr’rang là thứ vỏ cây hảo hạng dùng để làm may áo của người Cơ Tu mà không dễ gì tìm thấy. Theo già Nâm, t’cóng, t’dúi, amướt… đều thuộc họ mít, thân cây có nhiều mủ, vỏ dày mà người Cơ Tu xưa thường lấy về làm áo. “Người Cơ Tu xưa không phải ai cũng giàu có để đủ tiền mua một bộ thổ cẩm. Nhà tôi nên tìm cây rừng mà may áo thôi!” - già Nâm bộc bạch.
May vá, thêu thùa, dệt vải là việc của phụ nữ nhưng với người Cơ Tu ở miền biên giới xa xôi này, đây cũng là việc của cánh mày râu. Để may được một chiếc áo, đàn ông Cơ Tu phải băng rừng vượt suối tìm những cây t’cóng, t’dúi, amướt. Việc tiếp theo là lựa chọn kích cỡ sao cho thân cây khi lột vỏ ra vừa vặn với một chiếc áo. Già Nâm tiết lộ, sau khi khứa một vòng quanh thân cây, người ta phải dùng chính nhành cây của nó để đập dập lớp vỏ cây mà mình định lấy may áo.
Việc đập vỏ cây là cả một quá trình, tay đập phải đều nhau để vỏ cây không bị nát. Người đập phải đi xoay vòng quanh thân cây đến khi nào vỏ cây mềm ra thì tuốt lấy. Người Cơ Tu không lấy thứ gì của núi rừng một cách triệt để và đoạn tuyệt. Chính vì thế mà hàng ngàn năm nay con người và thiên nhiên cứ dung hòa mãi và rừng vẫn xanh nuôi nấng họ bao đời. “Chúng tôi lấy vỏ cây may áo vào mùa hè. Vì vỏ cây dễ phơi khô, sạch sẽ, nhựa cây sẽ mau phai. Đặc biệt là để mùa thu cây vừa lột vỏ có cơ hội thay lớp vỏ khác, rồi vài năm sau mình còn lên lấy tiếp” - Già Nâm nói. Dulichgo
Huyền thoại tr’rang
Trong tất cả loại vỏ cây thì cây tr’rang dệt áo đã trở thành huyền thoại của bản làng. Việc sở hữu một chiếc áo bằng vỏ cây tr’rang trở thành một phẩm vật vô giá mà bất cứ một thanh niên Cơ Tu nào cũng mơ ước. Già A Lăng Phếch - người bạn cùng thời với già Clâu Nâm, cũng là người cùng ông vượt suối băng rừng săn bắt từ nhỏ, tìm vỏ cây may áo, kể rằng: “Cây Tr’rang rất khó gặp. Nghe nói ở thượng nguồn sông Lăng còn 2 cây nhưng chưa ai tìm thấy. Chúng tôi tìm hồi trai trẻ tới chừ mà chưa gặp tr’rang”.
Theo già Phếch mặc áo dệt bằng cây tr’rang thì ấm vào mùa đông, rất mát vào mùa hè, không con muỗi, con mòng, con vắt nào cắn vì nó có mùi hương lạ xua các loài côn trùng ấy. Đặc biệt hơn, khi khoác lên mình chiếc áo bằng cây tr’rang thì các con thú sẽ không nhìn thấy mình. Đôi mắt sáng rực, già Phếch nói: “Nghe những người già xưa nói rằng, nếu mặt áo tr’rang vào mình có thể đi sát con hươu, con nai, sờ tay vào con sóc và chụp cả con chim trĩ mà chúng không bay”.
Nói về sự huyền diệu của chiếc áo, già Nâm tiếp lời: “Khi mặt tr’rang, màu áo điệp với màu cây rừng, nếu mình đứng im hoặc nằm im dưới đất thì kẻ thù cứ tưởng mình là khúc gỗ mục. Lớp vỏ của loài cây này có chức năng khử độc nên nếu tên độc của kẻ thù bắn mà có áo tr’rang chống đỡ thì người không bị trúng độc”. Già Nâm kể rằng thời chống Pháp, làng Pơ Ning chỉ có một người sở hữu chiếc áo ấy. Câu chuyện hàng chục lính Pháp bị hạ bằng tên độc tẩm thuốc từ mủ cây ch’pư trộn với nọc rắn, gan cóc tía, chết một cách bí ẩn khiến kẻ thù khiếp vía. Cùng với lá ngón, tên độc và những chiếc áo từ thân cây màu rơm khô, người Cơ Tu đã giữ bản làng mình bình yên trước quân thù với nhiều súng bom hiện đại.
Nếu như cây t’cóng, t’dúi, amướt muốn dệt thành áo thì phải nấu nước để luộc mềm, sau đó phơi khô và khoét thành áo thì tr’rang ngược lại. Cây tr’rang phải giữ nguyên chất, chỉ đập và phơi khô rồi khâu thành áo mà mặc. Già Clâu Nâm mang gần chục chiếc áo vừa hoàn thành từ mùa thu năm trước ra khoe. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cơm áo không còn thiếu thốn, nhưng ông vẫn miệt mài đi tìm chiếc áo tr’rang huyền diệu. Cả chục chiếc áo ông làm từ năm trước cho tất cả thành viên trong gia đình. Chiếc áo xinh xắn nhất ông dành cho người vợ của mình. Một chiếc cho người con trai cả và những cô con gái đều có phần.
Vuốt ve chiếc áo bằng vỏ cây thô mộc, già Nâm nói: “Tôi vẫn mặc cái này khi nhớ về ông bà, tổ tiên mình. Ngày trước người người đều mang cái này. Bây giờ làm lại cho các con mình nhớ lấy quá khứ mà yêu bản làng hơn. Ngày hội lớn của làng chúng tôi buộc các con phải mặc áo này. Mặc cái này múa điệu tâng tung da dá của người Cơ Tu mới đẹp!”.
Chiếc áo bằng vỏ cây dày, cứng và cồng kềnh như bản chất mộc của người vùng cao vậy. Các khuy áo, cúc áo cũng làm bằng cây. Một thân to bằng chiếc đũa, cắt ngang được làm cúc áo. Người mặc áo vỏ cây phải đưa hai tay lên trời rồi cho chiếc áo lồng từ đầu trở xuống thân. “Trông rất thô và mộc, khô cằn nhưng một chiếc áo vỏ cây khoác lên người chừng 5 đến 10 năm mới hư hỏng. Càng mặc, áo càng dẻo dai và bền bỉ” – già Nâm hồ hởi nói.
Mặc vội chiếc áo, dẫn chúng tôi ra giữa gươl, già Nâm mang theo chiếc khèn và cây sáo vừa làm xong. Ngồi giữa gươl, ông già thổi một điệu nhạc du dương như gió vi vút qua các ngọn đồi. Âm điệu bay từ căn nhà tỏa dần về các xóm nhỏ, những đứa trẻ chân trần tụ tập quanh ông. Chúng nghe điệu nhạc sờ vào chiếc áo rồi nghe ông kể chuyện xưa quanh căn bếp bịt bùng. Với tôi, đây là khoảnh khắc tuyệt đẹp, là “bản ngã” của núi rừng bỗng thoáng chốc hiện ra…
Theo Hưng Quốc (Báo Quảng Nam), Du lịch VN...
Du lịch, GO!