Xa xưa, theo sách vở ngày trước còn ghi lại, ở Đồng bằng sông Cửu Long các điền chủ thường hay mở tiệc ăn mừng khi lúa đã vô đầy lẫm và thường đãi những người đã nhọc công giúp họ bằng món bò gác tréo hay còn gọi là bò quanh lửa hồng.
Dấu ấn văn hóa xưa còn phảng phất qua câu hát: Mở tiệc bò quanh lửa hồng/ Cả điền chỉ có hội đồng chơi sang. Tiệc thường tổ chức vào buổi chiều nhạt nắng hay buổi tối có trăng. Món này phải lựa bò tơ, làm sạch rồi gác lên bốn cây đóng tréo hình chữ X, bên dưới là một đống than hồng hừng hực lửa.
Bò được quay, trở liên tục. Khi thịt chín, lớp mỡ chảy xuống than nóng nghe xèo xèo. Mâm được dọn ra với chủ yếu là rau thơm, khế chua, chuối chát thái mỏng; một dĩa chanh xắt miếng; một thau bún ngon; một tô mắm nêm trộn khóm bằm nhuyễn với tỏi, ớt, đường, bột ngọt…
Trên bàn chỉ có chén nhưng không có đũa vì người ăn sẽ dùng tay. Cả con bò được nướng ngoài vườn, cách bàn để các thức ăn kèm một con mương nhỏ. Khi ăn, người ta lấy bánh tráng kèm rau sống, bún rồi nhảy qua mương tới chỗ nướng bò, dùng dao bén cắt thịt.
Miếng thịt còn đỏ được nhúng qua nước chanh cho tái, lớp da vẫn vàng tươi, giòn rụm. Gói thịt vào bánh tráng đã có sẵn rau, bún… rồi quay về chấm mắm, trước khi ăn nhấp chung rượu đế cay nồng.
Có lẽ vì phải luôn vận động như vậy nên bụng thực khách không bị no hơi, mồ hôi tuôn ra, rượu vào cũng lâu say!
Bây giờ món bê thui đã thay cho món bò gác tréo đậm chất hoang dã. Nhà hàng chọn bê non chừng vài chục ký nướng trên bếp lửa rồi xắt lát xếp ra dĩa, kèm rau sống, bánh tráng, nước chấm để phục vụ người thưởng thức.
Theo Thạch Ba Xuyên (Doanh Nhân Sàigòn Cuối Tuần)
Du lịch, GO!