Thursday, October 2, 2014

Về vùng đất ‘giàu linh kiệt’ Lệ Thủy

(iHay) - Tôi rất thích phát hiện của ông Tây André Menras Hồ Cương Quyết rằng, xem bản đồ trên Google, nếu thử kẽ một đường thẳng từ vị trí ngôi mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa đảo Yến thẳng ra biển đông, theo đường vĩ tuyến, sẽ thấy điều rất thú vị.

André nói đúng hơn là điều kỳ lạ, rằng, ngôi mộ của vị Tướng nằm chính giữa đường vĩ tuyến mà phía Nam là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và phía Bắc là đảo Hải Nam của Trung Quốc. “Như một người lính già tận tụy với tổ quốc, Người đang canh gác bảo vệ độc lập và chủ quyền của Tổ Quốc ngay cả khi đã yên giấc ngàn thu trên mảnh đất mẹ - Vũng Chùa đảo Yến”, Andre viết trên Facebook sau lần đến Vũng Chùa đảo Yến viếng thăm mộ Đại tướng.

Ngày Đại tướng được đưa về quê nhà yên nghỉ, xúc động nhất là chứng kiến biển người hai bên đường đứng tiễn  lần cuối.

Vũng Chùa đảo Yến hôm đó đông nghẹt người, nhưng trong câu chuyện của những người Quảng Bình đưa tiễn cụ có một địa danh được nhắc đến với niềm tự hào vô bờ: Lệ Thủy, quê hương của Tướng Giáp, cũng là vùng đất của hai người từng đứng hai chiến tuyến: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.


< Hói chia gữa hai thôn An Xá và Đại Phong.

Tháng 9. Hết vụ xuân – hè, tôi đến Vũng Chùa viếng mộ cụ Giáp, rồi về Lệ Thủy để hiểu hơn vùng đất được coi là “địa linh giàu nhân kiệt” này. Muốn vào thăm ngôi nhà xưa của tướng Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, phải đi qua thôn Đại Phong, quê ông Diệm. Cả hai thôn đều nằm bên bờ sông Kiến Giang, được chia tách bằng một con hói đẹp như mơ, khác với thông tin tôi nghe được trước khi đến đây, rằng hai thôn của hai ông nằm hai bên bờ sông Kiến Giang. Vụ thu đông, vụ thứ 2 nhưng cũng được coi là vụ phụ của năm đã gần đến kỳ thu hoạch, chuẩn bị đất để gieo cấy vụ chính Đông Xuân. Xa xa còn nghe tiếng máy bơm nước từ sông vào ruộng để làm đất chuẩn bị vụ mới.

< Đường vào nhà tướng Giáp ở An Xá.

Kiến Giang là một nhánh của sông Nhật Lệ chảy ra cửa biển Đồng Hới. Người ở thôn tự hào nói với tôi, đây là con sông duy nhất trên cả nước có dòng chảy ngược từ Nam ra Bắc và họ ví von sông với từ tiếng Hán: nghịch hà. Thực tế, theo tôi được biết, ở Huế, sông Bạch Yến ở Kim Long (TP.Huế), chi lưu của sông Hương cũng có thể là một dòng “nghịch hà”, bởi có dòng chảy ngược từ hướng biển lên núi. Dường như những vùng đất có “nghịch hà” thường có thổ nhưỡng đặc biệt và là địa linh. Vùng đất Kim Long xưa cũng có nhiều phủ của các quan triều Nguyễn, cũng là vùng đất được Chúa Nguyễn chọn xây ngôi chùa Thiên Mụ linh thiêng để tưởng nhớ bà tiên báo mộng cho vùng đất vượng khí để đóng đô (Đại Nội Huế ngày nay).

< Ngõ nhà Đại tướng Giáp.

Tiếc là tôi không đến kịp đúng dịp lễ 2.9 vừa qua để xem lễ hội đua thuyền được tổ chức trên sông Kiến Giang. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang có từ lâu đời và được tổ chức vào dịp Quốc khách hằng năm. Sông Kiến Giang xưa còn được gọi là Bình Giang. Điều đặc biệt dòng Kiến Giang này chảy qua thôn An Xá có lòng sông rất hẹp, nếu không nói nhỏ như con kênh ở miền Nam. Nắng chiều nghiêng nghiêng trên dòng nước trong vắt, cánh đồng xanh mướt gió thổi tứ bề mát rượi. Một cảm giác thật yên bình, sảng khoái khi đứng giữa cánh đồng mênh mông xanh mướt, trù phú vào một chiều cuối thu thế này!

< Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cô chủ quán nước kiêm bán hàng lưu niệm trước cửa nhà tướng Giáp không giấu tự hào khi nói về những nhân vật lịch sử của quê mình: “Em ở đây bán hàng là có hưởng lộc từ danh tiếng của cụ. Ở đây con cháu cụ hương khói đầy đủ, khách thập phương đến thăm ấm cúng mỗi ngày. Tội nghiệp ngoài tê (quê ông Diệm ở thôn Đại Phong – PV) ông Diệm chẳng có thờ phụng hương khói ấm cúng như ri. Trước đây nghe cũng có con cháu ở xa về, nay họ đi luôn rồi, nghe mô ở nước ngoài, có thấy về mô”. Khách đến thăm tấp nập, xe hơi nhộn nhịp nhưng điều đáng quí là sự ồn ã không làm mất đi vẻ thanh bình của làng quê và không khí trang trọng gần gũi của sân nhà Đại tướng.

< Chị em phụ nữ thôn chơi bóng chuyền.

Cô cháu dâu của Đại tướng vừa vào đốt xong nén nhang, ra đến thềm gặp khách vội rót nước mời rồi nhắc nhở khách có quyển sổ ghi lại đôi lời trên bàn đó, viết vài lời với ông cho ông “bui” (vui – PV).

Một điều gây thú vị cho du khách thập phương là tinh thần thể dục thể thao của chị em phụ nữ ở vùng quê này. Đến đây vào tầm sau 4 giờ chiều, rất dễ gặp cảnh các chị em phụ nữ tuổi từ 20-60 chơi bóng chuyền say sưa dọc hai bên đường. Có nghĩa là sân chơi tuy được tận dụng từ sân phơi lúa nhưng có giăng lưới đàng hoàng. Và các chị em phụ nữ chơi bóng chuyền trong trang phục đồ bộ ở nhà, nhưng một số gọn gàng với giày vớ đầy đủ.

< Bút lưu của ông Andre tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở An Xá.

Ngoài Lễ hội đua thuyền truyền thống, Lệ Thủy còn có điệu hò khoan nổi tiếng mà đến đây, bạn không quá khó để được thưởng thức một đôi lần. Chị Hoa người thôn An Xá ngưng chơi bóng chuyền, đang ngồi nghỉ ven đường chờ bạn cùng xóm về. Tôi bắt chuyện và ngỏ ý nhờ chị hò cho nghe một câu, không chần chừ, chị cất tiếng thật mượt mà: “Nước không xuôi vì đuồi ngọn gió. Trăng kia không tỏ vì bởi đám mây. Xa anh ra không phải vì mẹ cũng nỏ vì thầy. Mà vì anh ăn ở, chưa đầy đã lưng” rồi hỏi tôi nghe có đặng (được) không?

< Khách thập phương viếng mộ Tướng Giáp.

Thắng là một thanh niên đang đứng chơi ven đường gần con hói chia tách hai thôn nói trên, nói đùa "chống chế" bằng giọng Quảng Bình khá đậm khi tôi thắc mắc sao chỉ có phụ nữ chơi thể thao, thanh niên lại đứng mơ màng giữa đồng thế kia: “Phụ nữ khỏe mới làm hậu phương tốt. Đàn ông tập tành kiểu khác, đâu chỉ có đập quả bóng qua về cái lưới vậy mà khỏe được? Ví dụ như em có thể bơi từ đây về đến sông Nhật Lệ…”. Nói xong Thắng cười sảng khoái.

Thắng cũng là người tin vào vấn đề long mạch khi cho rằng, long mạch nhà họ Ngô ngày xưa bị chạm mạnh nên khiến một dòng họ từ đang hưng thịnh trở nên khốn đốn (!?) khi nhắc đến anh em nhà ông Ngô Đình Diệm.

< Tháp chuông trước mộ tướng Giáp, hướng nhìn ra biển.

Tôi chưa tin vào những mẩu chuyện làm quà về long mạch này nọ của Thắng, nhưng tôi tin vào những gì Thắng nói về tinh thần thép, về mảnh đất giàu linh kiệt Lệ Thủy. Chia tay Thắng, anh gọi với theo dặn dò: Lần sau về Lệ Thủy nên lên núi An Mã, ở xã Trường Thủy để thăm lăng mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh. “Cụ Nguyễn Hữu Cảnh là người có công lớn trong việc giúp nhà Nguyễn di dân khai hoang mở cõi, đánh dẹp ở biên cương, tạo lập nên vùng Sài Gòn - Gia Định ngày nay”, Thắng nói. Rồi Thắng lại nheo mắt, cất giọng hò tinh nghịch bằng giọng Quảng Bình “đặc sệt”: “Đã xa nhau thì xa cho mất. Đã gần thì cho thành thất thành gia. Đừng như con bướm nọ với hoa. Lâu lâu đáo tới, dạ ta thêm buồn”.

Theo Nguyên Nga (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!