Sunday, October 5, 2014

Khu di tích căn cứ kháng chiến B4

(BĐN) - Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV thuộc thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung (Krông Nô) hiện đang được đầu tư xây dựng, trùng tu gần hoàn thành. Không những là “địa chỉ đỏ” để lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng mà khu di tích sẽ hứa hẹn trở thành một trong những điểm du lịch lịch sử-sinh thái hấp dẫn.

Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV nằm giữa một vùng đồi núi chập chùng như ôm ấp và che chở các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Nơi đây, tháng 12/1960, Tỉnh ủy Quảng Đức được thành lập trực thuộc Liên Khu ủy V, dựa vào vùng căn cứ kháng chiến tại Nâm Nung gồm các buôn R’cập, Ja Ráh, Dốc Ju, Broah, Choaih, Fi Bri để lãnh đạo cách mạng.

< Khu khánh tiết  và Tượng đài chiến thắng.

Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV trong kháng chiến giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói.

Đồng thời, cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Với những chiến tích lịch sử oai hùng đó, ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là di tích cấp Quốc gia.

< Các nhân chứng lịch sử thăm lại khu vực hố bom thuộc di tích Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV.

Để địa danh xứng tầm với vai trò, vị trí về lịch sử cách mạng, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức khảo sát, khoanh vùng di tích. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã quyết định đầu tư hơn 28 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu các hạng mục: khu công sự, khu văn phòng liên tỉnh IV, phòng làm việc Ban cán sự B4, hội trường, trạm quân y, cầu qua khu căn cứ, đường nội bộ khu căn cứ, khu khánh tiết (nhà lưu niệm, bia tưởng niệm, tượng đài) và trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường ở khu căn cứ cách mạng Nâm Nung.

Để phát huy giá trị lịch sử cách mạng, công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị to lớn của khu di tích đã được triển khai sâu rộng, từ đó, có ý thức bảo vệ, hiểu được tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử của quê hương.

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông như: lễ hội, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát dân ca, sử thi…đã được tổ chức tại khu di tích, tạo nên những điểm nhấn thú vị về một không gian du lịch. Anh Y Thuận, ở bon Ja Ráh cho biết: “Sau nhiều lần được nghe các chú, các bác kể lại những sự kiện lịch sử gắn với di tích thì mình đã ghi nhớ và có thể kể lại cho người khác về khu di tích đó”.

Theo Báo Đắk Nông
Du lịch, GO!