Văn hóa của cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ được thể hiện trong ăn uống, trang phục và đặc biệt ở các thánh đường. Ước tính hiện nay ở An Giang có khoảng 12.700 người Chăm sinh sống, thường cư trú theo các triền sông, vì cách cư trú này phù hợp với công cuộc đánh bắt thủy hải sản của họ.
Mặc dù có cùng nguồn gốc nhưng người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận (miền Trung) đa số theo đạo Bà La Môn, còn gọi là Chăm Bàni, còn người Chăm ở An Giang phần lớn theo đạo Hồi, còn gọi là Chăm Islam, với những thánh đường mái vòm đặc trưng. Trong đó không thể không nhắc đến thánh đường Mubarak tọa lạc trên một sở đất rộng, nằm bên bờ sông Châu Giang hiền hòa (thuộc xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, An Giang), cách thị xã Châu Đốc bởi bến phà Châu Giang.
Có lịch sử lâu đời, thánh đường Mubarak được xây từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá. Năm 1922, thánh đường được xây kiên cố hơn với tường vôi, lợp ngói. Theo thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, thánh đường Mubarak nhìn từ xa giống như các đền thờ cổ của Ba Tư, Ấn Độ với cổng chính hình vòng cung, uy nghi trước khoảng sân rộng. Dulichgo
Du khách đến đây sẽ cảm nhận được một lối kiến trúc hoàn toàn khác xa với các kiểu kiến trúc của chùa Hoa, chùa Việt hay chùa Khmer mà mình đã có dịp chiêm ngưỡng. Điều đầu tiên đập vào mắt là cổng chính của thánh đường. Nó có hình vòng cung, phía trước và trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi.
Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Nhiều đàn ông Chăm đi lại, đầu đội mũ vải, mình mặc áo thun hoặc áo sơmi nhưng bên dưới lại vấn xà rông. Không gian bên ngoài thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát. Du khách vừa chiêm ngưỡng thánh đường, vừa có thể phóng tầm mắt nhìn phong cảnh xung quanh.
Sau một ngày đường mệt mỏi, đứng trước không gian thoáng đãng này, du khách sẽ thấy lòng mình lâng lâng lạ thường. Những cơn gió từ mặt sông Châu Đốc thổi vào làm mát rượi cả người.
Khi bước vào trong thánh đường, bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh lợt, làm dịu đi cái nắng như đổ lửa bên ngoài. Nền được lót gạch bóng lộn và những chùm đèn điện được treo trên trần như tô điểm thêm cho thánh đường vẻ lung linh huyền ảo. Bất giác, nhiều du khách đi thật nhẹ, nói thật khẽ..., tất cả nhằm giữ gìn vẻ tôn nghiêm nơi thánh đường. Dulichgo
Do đặc điểm của đạo Hồi nên bên trong không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào nhưng có hậu tẩm là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Có “minbar” là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ Sáu hằng tuần. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ.
Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang.
Hằng năm thánh đường Mubarak có ba kỳ lễ lớn: Lễ Roja vào ngày 10-12 Hồi lịch, lễ Ramadan kéo dài từ ngày 1 đến 30-9 Hồi lịch (còn gọi là tháng ăn chay), lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed (người sáng lập đạo Hồi) vào 12-3 Hồi lịch. Trong những dịp lễ hội này, cư dân từ mọi nơi về tham gia sinh hoạt lễ hội rất đông, tạo thành những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở miền Tây Nam Bộ.
Thánh đường Mubarak được Bộ Văn hóa công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào tháng 12-1989. Vì lẽ đó, làng Chăm Châu Giang nói chung, thánh đường Mubarak nói riêng đã trở thành một điểm tham quan lý tưởng cho du khách gần xa.
Theo Trần Kiều Quang (báo Pháp Luật)
Du lịch, GO!