(TTO) - Một buổi tối ướt át, lạnh lẽo trong một chuyến đi bất ngờ đến Mộc Châu, Sơn La. Và cũng bất ngờ không kém khi chúng tôi đã có một bữa tối hoành tráng và đáng nhớ bên bếp lửa nhà sàn người Thái ở bản Áng. Từ bức ảnh chụp đèo Thung Khe bạn đăng trên facebook mà chúng tôi đã có một hành trình bất ngờ thú vị ở Mộc Châu, địa danh vốn đã trở nên quen thuộc đến (tưởng chừng như) nhàm chán với nhiều người. Thực ra, đi đâu không hẳn là điều quá quan trọng, vấn đề ở chỗ là bạn đi với ai!
1. Đoàn đi với một lũ trẻ con lít nhít vào một ngày sương mù giăng dày đặc quốc lộ 6, mưa rả rích và những đám mây ầng ậc nước như muốn kéo sụp cả bầu trời. Đến được khách sạn cũng đã cuối chiều, hẹn nhau nghỉ ngơi một chút rồi vào thị trấn nông trường ăn tối.
Bất ngờ nhận được điện thoại của bạn, hỏi đang ở đâu, bảo đang ăn cơm tết của nhà người Thái, ăn từ trưa đến giờ chưa xong bữa, mấy ông bạn “ngất ngất” vì rượu hết rồi, có muốn vào bản chơi bạn chạy xe ra đón. Tôi nhát gừng, vì không chỉ có một mình, còn có một nhóm già trẻ lớn bé đi theo, nhờ bạn hỏi chủ nhà xem có đặt làm thêm bữa cơm tối cho cả đoàn được không. Sau vài phút trao đổi, bạn bảo chủ nhà đã đồng ý, dù hôm đó phải tiếp cả đoàn sinh viên.
Vừa mừng, vừa lo, mừng vì đã có chỗ ăn tối, lo vì không biết bữa tối thế nào, có phù hợp cho đám trẻ mẫu giáo đang tuổi ương nghạch kia không. Dulichgo
< Bên bếp lửa nhà sàn người Thái ở bản Áng.
Sập tối, mưa gió mịt mùng khiến màn đêm như bưng lấy mắt. Bạn đón ở ngã ba có đường đi cửa khẩu Loóng Sập vì (dù đi Mộc Châu không ít lần) nhưng tôi chưa bao giờ vào bản Áng, nơi có rừng thông, hồ nước và những cánh đồng hoa đã được khách du lịch chụp hết cả thẻ nhớ. Xe chạy thẳng đến cuối bản, mưa vẫn tí tách rơi.
2. Trong ngôi nhà của ông trưởng bản tiếng nói tiếng cười lao xao. Một đoàn sinh viên đi thăm quan Mộc Châu nghỉ đêm tại đây, “homestay”. Gian bếp ấm cúng bởi bếp lửa đượm củi đặt giữa sàn, ghế mây quây quần bên nồi xôi nếp.
< Quây quần chờ... cơm.
Rũ bỏ nước mưa, những cơn gió rét bên ngoài cầu thang gỗ, đám trẻ thích thú sà vào thổi lửa, tranh giành ghế ngồi. Người lớn nhẩn nha đợi bữa tối lát sẽ được dọn ra ngay bên bếp lửa. Ovuong, cậu bạn đã ở đây từ sáng, cùng làm cơm với gia đình người Thái, cùng ăn một bữa say sưa từ trưa đến chiều thay mặt chủ nhà đang bận túi bụi nấu nấu nướng nướng tiếp chúng tôi. Cậu bảo, bữa tối sẽ toàn các món ẩm thực đặc trưng của người Thái, gà nướng, cá nướng mắc khén, măng chua xào, chẩm chéo nhót xanh, xôi nếp nương ăn với quả cọ. Khác với bữa trưa có măng vầu luộc và thịt hấp lá dong. Dulichgo
< Cá nướng lá mắc khén trên bếp than.
Một buổi tối ướt át, lạnh lẽo mà tưởng tượng ra bữa cơm ngon lành bên bếp củi, thật là thèm rớt nước miếng. Ngồi quanh bếp củi xem bà chủ nhà đồ xôi bằng một dụng cụ đặc trưng của người Thái, một cái nồi có khuôn gỗ rất dài và rất cao đã lên màu bồ hóng của thời gian và khói bếp. Lát thấy ông chồng đầu đeo đèn pin mang vào mấy con gà nướng thơm nức mũi, tay dao tay thớt chặt xếp lên đĩa. Bọn trẻ con thích quá ra xin mấy miếng ăn trước, đứa nào đứa đấy hào hứng, phấn khởi vô cùng.
< Bữa cơm ngon lành đã được dọn ra.
3. Loáng cái, đã thấy chủ nhà chuẩn bị xong bữa tối, hai bạn tôi khệ nệ bưng vào một chiếc bàn gỗ dài đặt bên bếp củi, đầy ắp đồ ăn. Một bạn tôi thốt lên “Có cần linh đình như thế này không?”. Bà chủ nhà giới thiệu từng món ăn và hướng dẫn cách ăn cho đúng kiểu người Thái.
Trên mâm cơm ngoài gà nướng, cá nướng được ướp thứ gia vị độc đáo của vùng tây bắc là mắc khén còn có một món dân dã thoạt nhìn đã thấy sốt ruột muốn được thử: Chẩm chéo nhót xanh. Đây là một trong những cách ăn chua đặc trưng của người Thái. Các loại quả xanh non như nhót xanh, mận xanh được ăn kèm với thứ nước chấm có tên gọi hẩm chéo. Lá bắp cải vừa tầm trắng nõn quấn với nửa quả nhót xanh non, thêm tý rau mùi, lá tỏi, ít gừng, chấm đẫm vào bát nước chấm.
Bình thường tôi không thích ăn bắp cải sống, ấy vậy mà, vị ngọt, vị chua, vị chát, tiếng bắp cải vỡ giòn tan trong miệng, cái cay sực của gừng và ớt quyện vào mùi thơm của lá tỏi, lá mùi. Chao ôi, thật lạ lùng và ngon quá thể. Không thể không vui tay quấn ngay một miếng “ăn chua” thứ hai. Dulichgo
Chấm đẫm miếng “ăn chua” vào bát nước chẩm chéo, rồi từ từ tận hưởng, để đoán xem chẩm chéo được pha thế nào. Cảm nhận được vị thơm, vị cay, vị ngọt, vị bùi mà cuối cùng vẫn phải hỏi chủ nhà cách pha chế. Các gia vị gồm tỏi, ớt tươi, lá tỏi, lá mùi, mắc khén cho vào cối giã giập, trộn đều, cho vào bát pha chế thêm nước mắm, đường, nước lọc, nêm cho vừa ăn.
Chẩm chéo vốn là món gia vị truyền thống không thể thiếu trong bữa ăn của đồng bào Tây bắc nói chung và người Thái nói riêng, được dùng kết hợp với nhiều món ăn khác nhau như xôi, thịt, cá, rau cỏ, măng rừng.
Trong lúc tôi còn đang say sưa món “chẩm chéo nhót xanh” thì đám trẻ nhỏ được bày cho ăn xôi Thái với quả cọ. Cọ là một loại quả của vùng trung du, có vị bùi, ngậy, sau khi rửa sạch được đem xóc với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ xanh cho vào nồi đun nhỏ lửa với nước. Người trung du gọi cách làm như vậy là “cọ ỏm”.
Bản thân quả cọ ỏm có thể ăn ngay bằng cách chấm mắm, bột canh hay muối vừng. Nhưng người Thái bày cho chúng tôi ăn cọ ỏm với xôi. Tách lớp thịt cọ ra, bỏ hột, dùng một nắm xôi bọc quanh thịt cọ, nắm đều tay cho lớp dầu cọ chảy ra ngấm vào xôi, ăn vừa béo, vừa thơm, vừa bùi, vừa ngậy.
Bọn trẻ con háo hức xắn xôi trong giỏ ra nắm với cọ, lại nhai su su bao tử luộc rau ráu. Một bữa tối hoành tráng và đáng nhớ bên bếp lửa nhà sàn của người Thái ở bản Áng, Mộc Châu, Sơn La.
Theo Thủy OCG (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!