Với diện tích không quá lớn nhưng Hội An vẫn làm say lòng du khách đến du lịch nơi này bởi vẻ cổ kính, những công trình kiến trúc đẹp ghi dấu ẩn phồn thịnh của một thời thương cảng, sự yên bình cuộc sống con người nơi đây.
Bên cạnh những công trình in dấu thời gian, Hội An còn có những điều khiến khách đặt chân một lần là nhớ mãi.
Đường phố
Cảm giác đầu tiên của nhiều du khách khi đặt chân tới đây là sự yên bình. Trên phố có nhiều người tham quan, thậm chí cả gánh hàng rong nhưng không hề ảnh hưởng tới sự tĩnh lặng vốn có. Những hình ảnh đó như tạo thêm điểm nhấn ấn tượng cho bức tranh trầm mặc nơi phố cổ.
Nhà cổ
Nhà ở đây có hình ống, sâu từ 10 đến 40m gồm ba không gian sinh hoạt chính là nơi buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Mỗi công trình đều có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch hoặc đá. Trước cửa có hai núm gỗ tròn chạm hình âm dương, bát quái hay mặt hổ rồng. Ba phường nội thị Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong là nơi du khách dễ dàng bắt gặp những kiến trúc này. Dulichgo
Chùa Cầu
Chùa Cầu là biểu tượng của phố cổ, do các thương gia Nhật Bản xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Công trình này có chiều dài 18 m với phần mái che lợp ngói âm dương. Trên cửa chính là tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán: Lai Vãn Kiều. Ở hai đầu cầu đặt tượng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó đại diện cho năm xây dựng, một đầu là tượng khỉ biểu tượng cho năm hoàn thành. Cả hai loài này đều được người Nhật thờ tự từ xa xưa.
Một điểm đặc biệt khác là bên trong chùa không hề có tượng Phật. Gian chính thờ Bắc Đế Trấn Võ, vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm hạnh phúc cho mọi người.
Đèn lồng
Lồng đèn là thú chơi từ xưa của người dân phố cổ. Trước đây, chỉ những gia đình thượng lưu mới treo trong nhà. Trải qua thời gian, vật trang trí này trở nên phổ biến hơn, có mặt cả ngoài phố.
Nguyên liệu làm nên những chiếc đèn lồng là tre và lụa. Trong đó, phần khung tre tạo sự thanh thoát, duyên dáng cho mỗi kiểu dáng như tròn, củ tỏi, bánh ú…. Lụa bọc ngoài giúp ánh sáng thêm huyền ảo và rực rỡ. Dulichgo
Sông Hoài
Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua phố cổ. Dù ngày hay đêm, dòng nước yên bình ấy luôn mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy lắng đọng. Bạn có thể quan sát những chiếc thuyền đánh cá đang thiu ngủ vào ban ngày hay chờ đêm xuống để mua một chiếc đèn hoa đăng thả lên dòng nước lững lờ trôi.
Bức tường cổ
Phố Hoàng Văn Thụ là nơi sở hữu bức tường được chụp ảnh nhiều nhất phố Hội. Trên thực tế, công trình thuộc ngôi nhà nằm về phía đường Nguyễn Thái Học, địa chỉ sinh sống của một gia đình 3-4 thế hệ.
Thoạt nhìn, nơi đây khá mờ nhạt, không có điểm nhấn đáng chú ý. Tuy nhiên dưới ống kính máy ảnh bức tường càng trở nên quyến rũ hơn khi từng mảng rêu phong hiện lên cân xứng tạo sự tương phản tối đa. Dulichgo
Hương trầm
Không khí ở đây luôn phảng phất mùi trầm dịu nhẹ, dễ chịu. Theo quan niệm của người dân, thứ hương này nhằm thanh lọc khí độc, phòng bệnh, an thần, tạo giấc ngủ ngon và quan trọng là trừ tà.
Do vậy bạn có thể bắt gặp những bát trầm nhỏ đang cháy dở trước mỗi cửa hàng. Vào những ngày rằm, lễ tết, mùi thơm còn đặc quánh hơn, quấn lấy bước chân, khiến người lữ khách cứ vẩn vơ mãi không thôi.
Xe đạp
Các phương tiện giao thông bị cấm lưu hành để bảo tồn khu phố cổ. Hiện nay, quy định này được nới lỏng hơn, cho phép xe đạp qua lại. Nhờ đó, bạn dễ dàng bắt gặp phương tiện này ở mọi nơi. Dịch vụ cho thuê xe từ đó cũng trở nên rầm rộ để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Giá thuê một ngày là 30.000 đồng/ ngày.
Mưa
Mưa không phải điều cản trở chuyến tham quan của nhiều người. Vào những ngày như vậy, bạn có thể bắt gặp các đoàn khách mặc áo mưa giấy, bước đi trong tiếng sột soạt, điều bạn hiếm gặp ở những điểm du lịch khác. Với họ, mưa là niềm vui và sự thích thú, trở thành một yếu tố đầy ấn tượng trong suốt hành trình.
Theo Diệu Huyền (Vnexpress)
Du lịch, GO!