Wednesday, January 21, 2015

Thiếu kinh nghiệm vẫn 'phượt': Đùa với hiiểm nguy

Phượt không có nghĩa là “nổi hứng, xách ba lô và đi”. Vì vậy, mỗi chuyến đi cần có kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ cho những tình huống bất ngờ xảy ra.

“Chinh phục đỉnh núi Bà Đen đã gần 15 lần nhưng lần nào nếu đi đường Ma Thiên Lãnh, chúng tôi đều phải nhờ đến hướng dẫn viên địa phương chứ không dám tự đi”, Đào Thị Phương Thảo, một dân phượt chuyên nghiệp, đã có nhiều kinh nghiệm leo núi theo nhóm, cả núi Everest, cho biết.

Nhiều đoàn “phượt” bị lạc mỗi năm

Gần đây, đi phượt đã trở thành đam mê của rất nhiều bạn trẻ. Họ chinh phục nhiều điểm đến khác nhau không chỉ bằng những con đường quen thuộc, dễ đi mà thích thử cảm giác mạnh, vượt qua chính mình bằng con đường mới, nhiều thử thách, khó khăn hơn.

Tuy nhiên, với hình thức leo núi, đặc biệt là đi theo đường rừng thì kinh nghiệm một số lần đi phượt lại hầu như không có ý nghĩa gì. Thực tế, việc 20 bạn trẻ vừa bị lạc khi tự leo lên núi Bà Đen (TP. Tây Ninh) theo đường Ma Thiên Lãnh hôm 11/1/2015 đã chứng minh điều đó. Không chỉ đoàn leo núi lần này, anh Võ Thanh Tâm (thường gọi là anh Bé), là người địa phương (ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Tây Ninh) đã có hơn chục năm lên núi hái thuốc và trên 5 năm kinh nghiệm dẫn các đoàn đi phượt leo núi, cho biết “mỗi năm tôi đều phải trợ giúp cả chục đoàn do họ tự ý leo núi Bà Đen và bị lạc”.

Không ít đoàn bị lạc hai - ba ngày trong rừng. Nhóm “Ờ! Phượt đi!” có trên 15.000 thành viên hiện đang sống tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bạn Phan Ngọc Bảo, thành viên của nhóm cho biết: “Mặc dù đến đâu cũng có bạn phượt là dân địa phương nhưng để chinh phục một điểm đến mới và nhiều thử thách, thông thường chúng tôi sẽ có một nhóm đi tiền trạm bao gồm những thành viên có sức khỏe tốt, nhiều kỹ năng và có ít nhất một thành viên địa phương”. Chẳng hạn, nhóm tiền trạm đã mở đường lên núi Đá Bia (Phú Yên) hay Chứa Chan (Đồng Nai). Tất nhiên, trước khi đi họ đã phải điều nghiên, lên kế hoạch về thời gian dự kiến, thức ăn, nước uống; chuẩn bị quần áo dày, kín; phủ lưu huỳnh quanh giày để tránh rắn; thuốc, dụng cụ y tế để xử lý khi gặp rắn rết, côn trùng; mang theo dụng cụ phát quang đường. Dulichgo

Phan Ngọc Bảo nói: “Chúng tôi còn thường xuyên gặp gỡ những anh chị nhiều kinh nghiệm hơn để cập nhật các kỹ năng như dựng trại, nhóm lửa ở biển, ở rừng; phòng tránh côn trùng, vá - thay lốp xe… Một ví dụ đơn giản, nếu đang ở trong rừng có nhiều cành cây, lá khô mà bạn nhóm lửa lên thì chẳng khác nào đang tự thiêu mình”. Là team leader và cũng là admin phía Bắc của nhóm phượt này, bạn Vũ Quốc Kỳ cho biết: “Khi leo núi Phan Xi Păng, nhóm mình vẫn phải nhờ một người địa phương vừa là hướng dẫn viên, vừa làm dịch vụ hậu cần như vận chuyển lương thực, nước uống, chuẩn bị lều trại…”.

Không chỉ vậy, trước đó, người leo núi còn phải chuẩn bị sức khỏe và tâm lý vì trong đoạn đường leo núi dài 34km ắt sẽ gặp nhiều khó khăn về địa hình, thời tiết như mưa, gió. Mặc dầu đã lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ nhưng nhóm phượt vẫn thường gặp những tình huống bất ngờ xảy ra. Khi nhóm của Quốc Kỳ đi xuyên Việt, đã bị lạc vào đường rừng ở đoạn hồ Kẻ Gỗ.

“Ngay khi thấy lạ, tụi mình tìm người địa phương hỏi ngay để tìm lại đường đi đúng”, Kỳ kể lại. Hoặc khi dự định đi đến Pò Hèn nhưng chưa đến kịp thì trời đã tối, nhóm quyết định dừng lại, ghé vào đồn biên phòng khai báo và tìm chỗ ngủ qua đêm ở một trường học gần đó. Khi gặp sự cố trên hành trình phượt, điều quan trọng nhất là các phượt thủ phải bình tĩnh, ổn định tinh thần cho toàn nhóm, phân chia công việc cho các thành viên hợp lý và đừng quên dựa vào người dân địa phương. Dulichgo

Riêng với keo núi, bạn Đào Thị Phương Thảo lưu ý: “Đường lên núi thường ngoằn ngoèo, lại có nhiều đá tảng tiếp nối nhau và những hẻm đá rất sâu, xung quanh là rừng rậm. Chỉ cần lơ là, chủ quan, bạn có thể bị trượt chân té ngã, gãy chân - tay, nếu rơi xuống hẻm đá thì chấn thương sọ não là điều hiển nhiên”. Các nguyên tắc cần biết  khi leo núi "Khi đi phượt, leo núi là hành trình khó khăn hơn cả vì ở đó không có các tiện ích thông thường, hiếm có người dân địa phương sinh sống. Vì vậy, ngoài đem theo điện thoại bạn cần có cả pin dự phòng.

Để dễ dàng và tạo sự thoải mái khi di chuyển, bạn nên mặc loại quần rộng rãi hoặc quần có chất liệu co dãn tốt; áo tay dài thấm mồ hôi tốt. Bạn cũng cần trang bị loại nón tai bèo để tránh nắng chiếu từ trên xuống và cả nắng hắt từ phiến đá lên mặt; nếu không ánh nắng sẽ khiến bạn dễ bị nhức đầu, chóng mặt, ảnh hưởng đến hành trình.

Sắm một đôi giày leo núi chuyên dụng, có gai ở phần đế để giảm trơn trượt là điều bắt buộc. Khi leo núi nên chọn loại ba lô trợ lực, có đai thắt ở hông bó sát vào cơ thể để ba lô không bị dịch chuyển khi bạn phải nhảy lên, nhảy xuống giữa những phiến đá. Chuẩn bị thể lực để leo núi cũng là bước cực kỳ quan trọng. Một tuần trước khi leo núi, bạn nên chạy bộ nhẹ hoặc đi lên xuống cầu thang khoảng 30 phút mỗi ngày", Đào Thị Phương Thảo, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Phương Trần, một dân phượt chuyên nghiệp khác, mỗi người nên tự chuẩn bị lương thực và nước uống cho mình. Nước suối, nước tăng lực, chocolate, bánh chưng, quýt là những thực phẩm thường được dân phượt ưu tiên đem theo. Trên đường leo núi, chỉ khi thấy khát mới nên uống nước và mỗi lần chỉ uống một ngụm vừa đủ. Khi leo núi, bạn nên giữ hơi thở đều, một bước hít vào, một bước thở ra, tránh cắm đầu cắm cổ leo vì sẽ bị mất sức rất nhanh. Khi xuống núi, nên hạ trọng tâm cơ thể xuống một chút, đi hơi khom lưng, bước chân theo hình chữ V chứ không bước thẳng vì sẽ rất dễ bị trượt.

Đặc biệt, ở những đoạn đường đá, cần tập trung nhiều hơn vào bước chân chứ không vừa đi vừa... ngắm cảnh, nên nhìn vào đoạn đường phía trước để xác định điểm sẽ đặt bước chân tiếp theo. Nếu không may có người bị té ngã, trầy xước, ngoài việc sơ cứu vết thương, cả đoàn nên ngồi lại, an ủi để người đó không cảm thấy mình là gánh nặng cho cả đoàn. Đánh giá tình hình nếu thành viên đó vẫn có thể đi tiếp thì cử người có sức khỏe hỗ trợ; trường hợp không thể đi tiếp thì cắt cử người đưa xuống núi nghỉ ngơi.

"Điều quan trọng của leo núi không phải là chinh phục đỉnh cao của ngọn núi mà là cảm giác vượt qua chính mình; là những trải nghiệm trên hành trình, những cảnh vật trên đường đi, những tuyệt tác của thiên nhiên, sự hùng vĩ của núi rừng mà trước đó bạn chưa từng được biết đến; là niềm vui, là tình bạn bè. Vì vậy, bạn không nên vì một chút tiết kiệm chi phí (không thuê người hướng dẫn địa phương) hay hiếu thắng, chủ quan mà đặt mình và những người đồng hành vào sự nguy hiểm. Việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bạn, của những người bạn cùng đoàn luôn là trên hết", Đào Thị Phương Thảo lưu ý.

Theo An Hà/Phụ nữ TP.HCM
Du lịch, GO!