Tuesday, January 20, 2015

Ghè trong đời sống đồng bào DTTS

(KTO) - Ghè là tiếng phổ thông dùng để gọi một loại vật dụng của đồng bào các DTTS Kon Tum dùng để ủ/đựng rượu cần, là vật dụng thiết yếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của cư dân nơi đây.

Cư dân các dân tộc thiểu số Kon Tum từ khi sinh ra, trưởng thành và đến khi đi về với tổ tiên đều gắn liền với chiếc ghè. Khi còn sống ghè gắn bó mật thiết với con người qua các sinh hoạt lễ hội, lễ nghi, vật cúng tế thần linh, là tài sản, vật trao đổi, vật gia truyền trong gia đình, là tài sản quý, dùng làm của hồi môn theo con trai con gái đi bắt vợ bắt chồng. Khi chủ nhân chết đi, ghè cũng được “chia của” theo người về với thế giới bên kia.

Người Ja Rai và người Jẻ Triêng gọi ghè là  ché; Xê Đăng gọi là  xoan hoặc vọ; Ba Na gọi là tơ keng… Ghè có nhiều loại và mỗi chiếc lại có tên gọi riêng như một thành viên trong cộng đồng, trong gia đình. Cách gọi tên của ghè có thể theo màu sắc, hoa văn, kiểu dáng, hay những con vật được trang trí trên thân ghè. Những cái ghè quý có khi lại được gọi tên theo chủ, hay tên một dòng họ, một sự kiện liên quan. Người Jẻ Triêng có các loại ché (ghè) Đăng lót, ché Đăm, ché Krơn, ché Nỉ, ché Htang, ché Kliêng, Cần chai, Plăng…; Người Xê Đăng có ghè Mo ngang, ghè Si bay két, Rum leng, Lu vọ, Tô neng, Ka đăn, Cu đông, ghè Dơn,ghè Khuốc…; Người Ja Rai có ché Toăng, ché Túc, ché Lem, ché Lúp, ché Le, ché Tăn rông, Tớp rông, Ta căn, Tơ po…; người Ba Na có ghè Sa Tôk, Htốc Bai, Htốc ác, ghè Grăn, ghè Tbôm, Kbụ, ghè Tơ ngong, Xron, Klăng, Klor, Tbắt…

Mỗi chiếc ghè có trị giá khác nhau (ở đây chỉ nói những chiếc ghè cổ, ghè cũ của đồng bào). Trị giá đó ngoài giá trị vật chất còn giá trị tinh thần. Và chính giá trị tinh thần mới đẩy trị giá của chiếc ghè lên “ngất ngưởng”. Những chiếc ghè quý thường có lai lịch, “lý lịch” cụ thể như một con người và những câu chuyện riêng gắn bó với nó. Trong Bảo tàng Kon Tum có nhiều chiếc ghè mà trước đây chủ nhân của nó đã phải mua với giá rất cao. Ví dụ: ché Toăng của nhà ông A Huê làng Răk, xã Ya Xiêr (Sa Thầy) xưa kia mua giá 30 con trâu; ché Túc của nhà ông A Nhứt làng Răk, xã Ya Xiêr (Sa Thầy) giá 20 con bò; ché Tớp Rông nhà A Châu làng Lung, xã Ya Xiêr (Sa Thầy) cách đây 4 đời đã mua giá 30 con bò…

Chiếc ghè không phải do cư dân dân tộc thiểu số tại Kon Tum làm ra mà là sản phẩm của người Kinh, người Chăm... Theo một số chuyên gia về đồ gốm, trong kho của Bảo tàng Kon Tum thậm chí còn có cả những chiếc ghè của Thái Lan, Miến Điện, Myanma, Lào, Campuchia. Chúng ta đã biết, trong số đồng bào DTTS KonTum, người Jẻ Triêng, người Ba Na Rơ Ngao có biết làm gốm song với kỹ thuật thô sơ, đơn giản, chưa dùng bàn xoay. Gốm được nung ngoài trời ở nhiệt độ thấp, chưa thành sành, sứ và không phủ men. Sản phẩm chỉ là những vật dụng đơn giản như nồi, tô, bát, những chiếc ghè đất.

Trước đây không có đường sá, giao thông đi lại khó khăn, cõng một chiếc ghè phải luồn rừng, trèo đèo lội suối ròng rã hàng tháng trời, vượt qua bao hiểm nguy bệnh tật, thú dữ dọc đường mới đưa được chiếc ghè lên Kon Tum. Do đó giá trị của ghè không chỉ là giá trị vật chất, mà còn là giá trị tinh thần. Nó quý vì chủ yếu do sự khan hiếm. Bên cạnh đó đồng bào lại quan niệm có những chiếc ghè còn là nơi trú ngụ của thần linh, thần bản mệnh gia chủ, là hiện thân của thế giới tâm linh. Đó là những chiếc ghè thiêng, mà người chủ qua giấc mơ thấy thần báo mộng cần phải mua hoặc phải nhượng bán chiếc ghè đó cho người khác. Xin kể một câu chuyện giải thích về giá trị của một chiếc ghè:

Năm 1998, các cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Kon Tum có sưu tầm chiếc ghè Châng (ché Châng) của ông A Hê ở làng Răk, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy. Ông A Hê cho biết đó là chiếc ghè của vợ ông được thừa kế. Ghè đó đã có mặt tại gia đình vợ ông từ cách đó 5 đời. Ông cố nội của vợ ông A Hê chết từ lúc trẻ, bà cố nội ở vậy nuôi con. Dulichgo

Một đêm bà nằm mơ thấy chồng về báo cho biết hồn của ông nằm trong chiếc ghè Châng ở vùng Ya Ly. Bà tìm đến và mua bằng được chiếc ghè với giá 30 con bò. Từ đó chiếc ghè được coi như một thành viên trong gia đình. Mỗi năm nó được cúng 1 con bò (làm 1 con bò, mời làng đến uống rượu). Mỗi khi trong nhà chủ có người chết, ghè bị  bẻ đi một tai, khi hết tai, ghè bị bẻ đi một góc miệng để thể hiện sự đau đớn. Cứ như vậy qua 5 đời, miệng ghè không còn chỗ để bẻ nữa.

Tương tự như vậy còn biết  bao những câu chuyện tâm linh gắn với giá  trị những chiếc ghè. Trong quá trình đi sưu tầm tại cơ sở cán bộ Bảo tàng tỉnh bắt gặp những chiếc ghè cổ rất đẹp, rất có giá trị nhưng lại bị mẻ miệng, mất tai. Lúc đầu tưởng do quá trình sử dụng quá lâu ghè bị như vậy, nhưng khi hỏi kỹ mới biết đó là do ghè bị bẻ miệng, đập tai khi chủ của nó qua đời.

Trong làng, những gia đình khá giả thường là chủ sở hữu của những chiếc ghè cổ, ghè quý được cất giữ cẩn thận như vật gia bảo truyền từ đời này sang đời khác của gia đình, dòng họ. Cùng với trâu, bò, cồng chiêng, đồ trang sức, ghè là thước đo sự giàu nghèo của mỗi gia đình trong cộng đồng. Ghè còn là của để dành, làm sính lễ trong cưới hỏi, của hồi môn, vật đền bù khi xử phạt, thanh toán nợ nần, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, sui gia… Ghè không thể thiếu trong mọi lễ hội, lễ nghi, từ cộng đồng đến gia đình, từ lễ mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, lễ sửa máng nước, cầu mùa màng, đến lễ tang, lễ pơ thi, các lễ nghi trong vòng đời người, lễ nghi nông nghiệp, vòng đời cây trồng….

Ghè có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ; với nhiều màu men như: đen, vàng, xanh…, trong đó màu men da lươn là phổ biến nhất. Thân ghè được trang trí nhiều họa tiết hoa văn khác nhau, thường là hình hoa lá cỏ cây, hoa văn hình học; hoa văn rồng, phượng, chim, thú, hình người…. Hoa văn có khi khắc chìm, có khi đắp nổi.

Vai ghè thường có 4 - 6 - 8 -10 - 12 tai. Theo đồng bào, ghè càng có nhiều tai càng quý và ghè có tai  nằm ngang quý hơn tai  nằm dọc.  Các tai  trên vai ghè thường để trơn, nhưng cũng có khi được biến tấu thành những đốt trúc, đốt mai, vặn thừng, có khi các tai đó lại biến thể thành các con vật như dơi, chuột, ếch, cóc, thạch sùng, thằn lằn…

Chiếc ghè đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của cư dân các dân tộc thiểu số Kon Tum thêm phong phú và đậm đà bản sắc. Trong các lễ hội của làng hay các lễ nghi trong gia đình, những chiếc ghè có giá trị sẽ được đưa ra đựng rượu cúng Yàng, hoặc để đựng/ mời rượu khách, và để “khoe” với mọi người về một món đồ quý trong gia đình. Theo đồng bào những chiếc ghè cũ dùng ủ/đựng rượu thường ngon hơn những chiếc ghè mới mà họ gọi là “ghè chợ”.

Hiện tại Bảo tàng tàng tỉnh Kon Tum đang lưu giữ, bảo quản trên 300 chiếc ghè của các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Sưu tập ghè này được các nhà chuyên môn, các khách tham quan đánh giá thuộc loại khá trong số các Bảo tàng tại khu vực.

Theo Vũ Thị Mai (Báo Kontum)
Du lịch, GO!