Saturday, January 10, 2015

Hải đăng Mũi Dinh: "Mắt" của biển đêm

(NTO) - Sau hơn một giờ đồng hồ đi bộ*, vượt qua trảng cát vàng mịn màng, những sườn dốc dựng đứng, ngoằn nghèo, khúc khuỷu, cuộc hành trình của chúng tôi đã đến đích.

Hình ảnh ngọn Hải đăng Mũi Dinh (xã Phước Dinh, Thuận Nam) đứng vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió có nhiệm vụ dẫn đường cho tàu, thuyền hoạt động trên biển về bến an toàn. Là một trong ba ngọn hải đăng nằm trên đường hàng hải quốc tế, Hải đăng Mũi Dinh được ví như là “mắt đêm của biển”, là biểu tượng khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

< Đường lên hải đăng Mũi Dinh rất dốc như bao con đường lên núi khác.

Với nét mặt tươi vui và giọng nói hồ hởi như gặp lại người thân, Trạm trưởng Phạm Văn Cơ nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm “mắt biển”. Ngọn Hải đăng Mũi Dinh được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1904. Trải qua 110 năm chịu sự bào mòn của thời gian và biển cả, nhưng Hải đăng Mũi Dinh vẫn đứng sừng sững trên vách núi mũi Dinh, chiếu vào biển đêm luồng ánh sáng xa hơn 26 hải lý (khoảng hơn 48 km). Từ biển nhìn vào, Hải đăng Mũi Dinh có dáng vẻ khiêm nhường với độ cao 16m, mang đậm kiến trúc Pháp. Dulichgo

Tháp đèn hải đăng có kết cấu hình vuông bằng những tấm đá granit chắc chắn. Nhờ được xây dựng trên mỏm đá dựng đứng, cao ngút nên chiều cao từ tâm đèn đến mực nước biển là 186 m. Vừa háo hức, vừa tò mò, chúng tôi lần theo những bậc cầu thang bằng gỗ, có cấu trúc hình xoắn ốc để khám phá “mắt đèn”. Hải đăng Mũi Dinh phát tín hiệu đèn chớp trắng 2+1 (hai đèn liền nhau phía trước và một đèn phía sau, hợp thành hình chữ Y), xoay tròn theo chu kỳ 20 giây. Ở vị trí này, phóng tầm mắt ra xa là bãi cát vàng mịn màng, những tảng đá với nhiều hình thù lạ mắt. Dưới chân Hải đăng là bãi biển tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cùng những đợt sóng vỗ trắng xóa ôm trọn lòng dãy núi Hòn Chồng.

< Có lối mòn lên chỏm núi cao hơn, bạn biết không?

Làn da đen sạm vì nắng biển, ông Phạm Văn Thanh, người gắn bó với công việc “gác đèn” hơn 33 năm qua, chia sẻ: Trên trạm Hải đăng hiện có 15 thành viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Tuy mỗi người một quê, mỗi hoàn cảnh nhưng xác định được nhiệm vụ nên ai cũng quyết tâm bám biển “giữ đèn”. Một ngày của nhân viên trạm đèn bắt đầu từ sáng sớm với việc kiểm tra bóng đèn, hệ thống phản quang, lau chùi đèn và các thiết bị hàng hải, kiểm tra điện áp, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời xử lý sự cố,… Dulichgo

< Từ trên cao nhìn xuống Hòn Chồng.

Khác với trước đây tắt mở đều bằng thủ công, hiện nay hệ thống đèn được điều khiển tự động, khi mặt trời lặn, ánh sáng yếu thì đèn tự động bật sáng. Trong ca đêm, anh em phải thường xuyên quan sát xung quanh khu vực trạm đèn, kiểm tra độ nháy, độ chớp và chu kỳ quay của đèn…Làm bạn với sóng gió, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vốn đã gắn bó lâu năm với Hải đăng nên các anh đều tìm thấy niềm vui ở đây và rất tận tâm với công việc. Với các anh, ngọn Hải đăng đã trở thành người bạn tâm giao với “ mắt đêm” không bao giờ tắt, làm tiêu điểm cho hàng nghìn tàu thuyền xuôi ngược trên biển cập bến an toàn.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến các nhân viên ở trạm từng ngày chăm chút, canh giữ “mắt biển” như chính tình yêu của các anh với biển đảo quê hương. Đúng như lời tâm sự của ông Thanh: “Thắp sáng ngọn hải đăng mỗi đêm là nhiệm vụ thiêng liêng; dù xa xôi, vất vả nhưng đầy tự hào”. Trạm Hải đăng Mũi Dinh sừng sừng ánh sáng ngọn đèn như là linh hồn của Biển.

Với những luồng sáng mạnh mẽ vươn dài giữa biển đêm, ngọn Hải đăng Mũi Dinh không chỉ là người bạn dẫn đường cho các con tàu hành trình xuôi ngược, xác định vị trí giữa biển khơi mà còn là “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Ánh sáng Hải đăng Mũi Dinh luôn là động lực chắp cánh cho những con tàu lướt sóng ra khơi tìm luồng cá bạc.

* Sao khá lâu? Mình nghĩ: từ con đường mơi, nếu cuốc bộ lên hải đăng chỉ mất nửa tiếng thôi. Còn nều chịu khó chạy xe lội cát thì còn nhanh hơn nữa (ĐGD).

Theo Mỹ Dung (Báo Ninh Thuận), ảnh internet
Du lịch, GO!

Mũi Dinh nay đã trong tầm tay!