Tại Bình Định có những 3 dòng thác suối cùng mang tên 'Thác Đổ', ba địa danh này nằm ở 3 nơi khác nhau và tất cả đều là những nơi hoang sơ chưa được khai thác du lịch.
< Toàn cảnh 'Thác Đổ' tại Nghĩa Điền.
Đó là: Thác Đổ thuộc thôn Tân Xuân - xã Ân Hảo - huyện Hoài Ân; Thác Đổ thuộc xã Bình Tường - huyện Tây Sơn và dòng Thác Đổ thuộc thôn Nghĩa Điền - xã Ân Nghĩa - huyện Hoài Ân; tất cả thuộc tỉnh Bình Định.
Dulichgo đã có bài viết về dòng Thác Đổ ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn trong bài 'Thác Đổ thơ mộng'. Lần này, bài mới sẽ đề cập tới dòng Thác Đổ tại thôn Nghĩa Điền, huyện Hoài Ân.
< Dòng suối nước mát lạnh bắt nguồn từ thác Đổ Nghĩa Điền.
Hoài Ân, một vùng đất trung du, được thiên nhiên ban tặng phong cảnh cảnh hữu tình. Trong đó, Thác Đổ ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa là một cảnh đẹp mà ai một lần đến cũng lưu luyến.
< Ở một đoạn khác, dòng suối của Thác Đổ chảy len qua các lèn đá.
Thác Đổ cách trung tâm huyện Hoài Ân 20 km về phía tây nam và giáp giới huyện Vĩnh Thạnh. Muốn thăm Thác Đổ Nghĩa Điền: khi đến thị trấn Tăng Bạt Hổ, du khách đi theo Tỉnh lộ 630 khoảng 25km là đến gần thác. Dulichgo
< Lúc khác lại chảy qua những ngách hẹp tạo nên tiếng nước cuộn vui tai.
Thác nằm ẩn mình giữa những ngọn núi cao và những cánh rừng bạt ngàn thuộc địa phận thôn Nghĩa Điền. Tại nơi này, dòng nước sông chảy từ Vĩnh Thạnh xuôi về đây gặp dãy núi chắn ngang, nước từ trên cao đổ xuống gần 30m thẳng đứng tạo nên Thác Đổ hùng vĩ và nên thơ.
< Suối đá nhấp nhô, nước chảy qua các gộp đá tạo âm thanh ầm ào.
Trong nắng sớm những ngày đầu năm, chúng tôi đã cuốc bộ từ thôn Nghĩa Điền vào thác và mất 30 phút trên con đường đất gồ ghề sỏi đá dẫn vào thắng cảnh mà người dân địa phương bảo vẫn còn hoang sơ lắm. Từ đằng xa, đã cảm nhận âm thanh róc rách vang vọng tạo ra bởi dòng suối đang tuôn trào vỗ xô những ghềnh đá. Và rồi, hiện ra trước mặt, con suối nhấp nhô đá thấp, đá cao, hòn lớn, hòn nhỏ, cùng dòng nước trong vắt, mát lạnh. Dulichgo
Khi lên đến nơi này, ta sẽ có một cảm giác mát lạnh dễ chịu. Đó là cái mát dưới tầng cây và dòng nước lạnh của thác tạo nên giúp bạn xua tan mệt mỏi và phiền muộn thay vào đó là sự phấn chấn, niềm lạc quan yêu đời.
< Cuối cùng thì cũng đến vách đá dựng cao, nước từ dòng nước phía trên cao đổ xuống trông thật hùng vĩ.
Từ chân thác lên đến đầu thác, ta phải vượt qua suối đá dài trên 1km. Trên đoạn đường này, người lữ khách sẽ bắt gặp nhiều điều lý thú, đó là những cây lan đá thân tím lá xanh, những chùm phong lan lơ lửng trên những cành cây, những tảng đá to bằng những chiếc giường như muốn chào mời. Tiếng gió thổi, tiếng nước suối chảy, tiếng chim hót tạo nên bản hòa âm độc đáo.
Thác Đổ Nghĩa Điền hiện ra ngất cao như dòng tóc xỏa của thiếu nữ, ào ào nước đổ tung bọt trắng xóa. Thật là một cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ. Độ dài suối thác khoảng chừng 500 mét với nhiều tầng lớp đá, hòn to, hòn nhỏ tạo khe rảnh, con nước lúc len lỏi chầm chậm, lúc tuôn chảy, gấp gáp.
Ở điểm nhấn cuối cùng: từ trên cao chừng 30m, một ngọn nước xối mạnh ào ào trên một vách đá dựng đổ xuống một hồ nước thiên tạo cho ta tuyệt cảnh thác nước đẹp và sảng khoái khi ta được ngâm mình trong dòng nước mát này.
< Dưới chân thác là một hồ nước sâu, cũng là nơi mà người địa phương gọi là 'Giếng Trời'.
Dĩ nhiên, thích thú nhất là tắm nước Giếng Trời (nơi nước đổ từ trên cao xuống). Dòng nước mát lạnh như ngấm vào da thịt, tạo cho cảm giác khoẻ khoắn, minh mẫn tức thì. Tương truyền rằng Giếng Trời này rất linh thiêng, khi đôi trai gái yêu nhau đưa đến Giếng Trời thề non hẹn biển thì trọn đời hạnh phúc, ai có điều gì buồn phiền hay nguyện ước cũng đến Giếng Trời mà cầu khấn vào giờ ngọ.
< Khách phương xa bên Thác Đổ. Nếu ham khám phá thêm, bạn có thể theo bờ đá dốc lên thượng nguồn thác phía trên.
Nhớ lúc vào Thác Đổ, một cụ già ở thôn Nghĩa Điền có dặn tôi: “Con muốn uống hay tắm nước ở Giếng Trời thì nhớ xin phép thần...”. Đáy Giếng Trời sâu bao nhiêu không ai đo được, chỉ biết rằng chưa ai lặn đụng đáy bao giờ. Dulichgo
Ngồi dưới bóng dòng Thac Đổ, ta được nghe câu chuyện huyền thoại về cô gái Bana ra suối đợi chờ người yêu, mắt xa xăm nhìn về đầu nguồn con nước, lộ lưng trần để mái tóc óng mượt xõa dài, xõa dài điểm bạc rồi hóa đá mà hôm nay nhìn ngọn thác tưởng như mái tóc nàng bồng bềnh giữa đại ngàn.
Thác Đổ Nghĩa Điền tuy hoang sơ nhưng cứ mỗi dịp tết đến xuân về, dịp nghỉ lễ và nhất là vào mùa hè người dân trong huyện và các nơi về đây thăm thú hòa mình với thiên nhiên. Hy vọng tương lai không xa, Thác Đổ Nghĩa Điền sẽ được khai thác phục vụ du lịch của huyện trung du miền núi Hoài Ân.
Du lịch, GO! tổng hợp - ảnh từ báo Bình Định