(TTCT) - Vào “thung lũng sâm đắng” Măng Ri, thật bất ngờ trước một tuyệt cảnh đẹp như bức tranh sơn dầu hiện ra ở nơi cao nhất của đỉnh Trường Sơn. Một cộng đồng Xê Đăng với những ngôi làng quần tụ thành vòng tròn sống bình yên trên đỉnh núi, như chưa từng bị loang lổ bởi những xô bồ, ồn ã của cuộc sống nơi thành phố.
Măng Ri được mệnh danh là “thung lũng sâm đắng”, nằm dưới chân núi Ngọc Linh, cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 130km. Nhiều năm trước, vùng đất này “nổi sóng” bởi việc truy lùng cây sâm Ngọc Linh quý giá, nhưng giờ đây sâm chỉ còn lại trong những câu chuyện kể của già làng.
Trên đỉnh bình yên
Nhiều giờ đi xe máy men theo quốc lộ 14 dẫn về trung tâm huyện Tu Mơ Rông rồi đi ngược thêm 30km, chúng tôi đến được con dốc cao nhất, nơi có thể đứng quan sát và nhìn bao quát hết toàn bộ trung tâm xã Măng Ri.
Những ngôi làng của người Xê Đăng trên Tây nguyên mà chúng tôi bắt gặp như “treo” trên đỉnh núi. Làng ở Măng Ri nằm xếp thành dãy vuông vức, ngay ngắn, tựa như được bàn tay khổng lồ của Yàng núi xếp đặt theo thứ bậc.
Làng Xê Đăng nào cũng đẹp mê hồn. Từ khoảng cách 4-5km trên con dốc cao nhất có thể dễ dàng nhìn thấy nhà rông ở giữa trung tâm làng. Nhà rông như linh hồn người mẹ núi lặng lẽ quan sát và chăn dắt làng đi qua năm tháng.
< Xã Măng Ri dưới chân dãy Ngọc Linh, được xem là thủ phủ mua bán sâm Ngọc Linh.
Chúng tôi đang đứng giữa đỉnh Trường Sơn, nơi mây vờn quanh năm theo các ngọn núi như đôi tình nhân gắn bó những ngày yêu đương ngọt ngào nhất. Trước mặt một Măng Ri hùng vĩ, bình yên, những ngôi nhà nằm dọc trên triền núi, trong thung lũng nắng vàng và được xức mùi của dã quỳ, tôi bỗng nhớ đến những lời trong ca khúc Mùa xuân trên đỉnh bình yên của nhạc sĩ Từ Công Phụng: “Về trên đỉnh yên bình, hiền hòa/ Đỉnh bình yên trên non cao/ Hôn trên làn tóc xõa mây trôi theo bềnh bồng…”.
Măng Ri lạ lẫm và cô đơn như một ngôi làng hiếm hoi còn sót lại, trung thành với Yàng núi giữa mênh mông của đại ngàn. Măng Ri đẹp và nhiều màu sắc, ngồi trên đỉnh đồi xõa chân xuống vực sâu và ngắm nhìn ngôi làng, lắng nghe những âm thanh thân quen của những ngôi làng vùng nông thôn bỗng thấy lòng nhẹ bâng.
< Người dân địa phương ở đây không dùng máy móc mà dùng chính sức mình để cày ruộng mưu sinh.
Chúng tôi tìm vào trung tâm xã để hỏi đường. Cán bộ xã tại Măng Ri hầu hết là người địa phương, thân thiện hướng dẫn khách ở xa lưu trú tại làng.
Mùa của những sản vật
Chúng tôi lên Măng Ri để nghe câu chuyện về xứ sở sâm đắng - củ dấu, người Kinh gọi là sâm Ngọc Linh. Nhưng tất cả đã “vỡ mộng” khi hầu như những người lớn tuổi, bàn chân giẫm nát đỉnh Ngọc Linh đều lắc đầu: “Ối, sâm có nữa đâu! Hết rồi, thỉnh thoảng mới gặp được một củ”. Nhưng Măng Ri đâu chỉ có sâm.
< Và các em cũng phải ra đồng giúp gia đình.
Có những thứ mà chúng tôi bắt gặp, được trải nghiệm còn đáng giá hơn thứ sâm kia gấp ngàn lần. Đó là nụ cười Xê Đăng, là những ruộng bậc thang bạt ngàn, là ngút ngàn sâm dây, sơn tra (táo mèo) và tiếng người giẫm bùn hùng hục dưới đám ruộng… Tất cả đều làm nên một Măng Ri rất khác.
Sáng sớm đứng ở trung tâm xã Măng Ri, mây từ trên đỉnh núi bị gió đuổi vờn xuống làng rồi rít lên tạo ra cái lạnh tê tái. Người Xê Đăng ở các ngôi làng bắt đầu lộc cộc cuốc xẻng kéo nhau ra ruộng, đem theo cơm gạo, con bồng con bế. Bố mẹ xuống ruộng đi làm mùa, trẻ con cũng chạy theo, khóc ré lên. Đừng bất ngờ khi thấy người Xê Đăng tập trung hàng chục người chỉ trên một đám ruộng cỡ 10-20m2. Chẳng có trâu bò, máy móc mà chỉ bằng đôi tay, những con người Xê Đăng mạnh bạo, rắn rỏi cứ thế hùng hục cuốc.
< Nét ngây thơ đáng yêu.
Không phải người Xê Đăng không có máy đào, máy kéo nhưng đó là cách làm ruộng truyền thống của cha ông để lại. Họ nói cách làm này cũng là cách mà người Xê Đăng thể hiện sự tôn thờ, kính trọng tuyệt đối với hạt lúa. Hầu hết đám ruộng đều được xẻ ra từ chân núi, có độ thấp cao nên diện tích nhỏ, không thể dùng trâu bò hay máy móc để làm được.
Người dân cũng nói rằng hạt lúa là của thần núi cho, thần nước nuôi lớn, cái cây trên rừng người Xê Đăng không chặt mà để tạo ra giọt nước chảy xuống nuôi cây lúa, cây lúa tốt lên không nhờ phân mà nhờ mùn cây, nhờ nước tinh khiết. Muốn cây lúa khỏe mạnh phải nhờ bàn tay con người cuốc xới, chăm bẵm…
< Bình yên trên đỉnh Ngọc Linh.
Chúng tôi rời “thung lũng sâm đắng” để về lại thành phố, bất ngờ cô gái Xê Đăng tên Y Long mà chúng tôi quen trong làng bảo: Đợi mình một tiếng. Rồi Long cùng người chị họ cõng gùi ngược lên khe núi, một lúc sau trở lại gùi chất đầy quả sơn tra vàng ươm cùng quả sâm dây, thứ nhiều nhất ở Măng Ri này. “Mùa này trái sơn tra, quả sâm dây chín nhiều lắm, làng không có gì cả, chỉ có mấy thứ này thôi” - Y Long thật thà. Món quà của người miền núi sao mà dễ thương đến thế. Dulichgo
Măng Ri là một xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Xã Măng Ri nằm dưới chân núi Ngọc Linh gồm có sáu làng Xê Đăng. Để tới được nơi này, phương tiện hữu hiệu nhất là xe máy, vừa đi vừa chụp ảnh các ngôi làng dọc đường là trải nghiệm thú vị. Ôtô có thể vào được tới trung tâm xã. Vào làng, du khách muốn tham quan có thể liên hệ với xã hoặc trực tiếp vào các ngôi làng xin tá túc, người dân đặc biệt thật thà và mến khách nên du khách sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ.
Xã Măng Ri được ví như “thánh địa” của loài sâm quý này, nằm dưới dãy núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, việc thương lái lùng sục và giá trị thực bị đẩy cao khiến sâm Ngọc Linh ngày càng hiếm. Người không am hiểu dễ nhầm sâm với củ ráy (một loại thuộc họ cây môn), hoặc cây tam thất, hoặc một loại sâm ít giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc được mang qua bằng con đường nào đó rồi biến thành “sâm Ngọc Linh”.
Đối với du khách, thật sự rất khó để có thể tiếp cận được cây sâm Ngọc Linh thật. Nếu may mắn, du khách có thể tận mắt thấy được loài sâm quý này thông qua người làng đi rừng tìm được.
< Sâm Ngọc Linh giờ đã hiếm rồi, chỉ có sâm dây và sâm giả.
Để có thể tận mắt thấy được củ sâm thật, du khách có thể tìm đến các già làng có uy tín ở xã Măng Ri hoặc nhờ đến sự chỉ dẫn của các cán bộ xã. Nhiều người rành sâm Ngọc Linh cho biết nhìn bên ngoài củ sâm Ngọc Linh giống như củ gừng dại, thân tương đối mềm, nếu còn nguyên cành lá thì trên cành lá của cây sâm Ngọc Linh thật không có lông tơ (như sâm giả).
Lá sâm Ngọc Linh mọc so le, khi nếm có vị đắng nhưng vị đắng này có cảm giác rất dễ chịu. Tuy nhiên cách nhận biết này cũng chỉ tương đối. Hiện nay cây sâm Ngọc Linh đang được quy hoạch thành vùng và được một đơn vị trồng trên núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Du lịch, GO!
Bí mật rừng sâm tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh
Lãng đãng trên đỉnh Ngọc Linh
Cheo leo ngõ đá sương mù vùng sâm
Ký sự - Trên đỉnh Ngọc Linh - Kỳ 1