Tuesday, December 30, 2014

Đình Trung Lương (Đà Nẵng)

(ĐNO) - Đình Trung Lương toạ lạc tại phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Làng Trung Lương, được hình thành trên xứ đất tục gọi là xứ Cồn Soi  được tách ra từ làng chính Khuê Đông, là một làng mới được thành lập vào khoàng giữa thế kỷ XIX, với diện tích khoảng 200 ha.

Theo địa giới, làng Trung Lương phía bắc giáp ngã ba sông Hàn, tây giáp Khuê Trung, đông giáp sông Cổ Cò, nam giáp làng Lỗ Giáng. Dân làng sống bằng nghề nông và soi đánh bắt cá ven sông. Lúc bấy giờ, có 5 tộc đến đầu tiên khai canh lập làng là tộc Huỳnh Ngọc, tộc Trần Phước, tộc Nguyễn, tộc Lê và tộc Hồ Văn.

Sau khi làng Trung Lương được thành lập một thời gian, với dân số đông và đủ điều kiện vật chất, các vị cao niên đứng đầu các tộc đã khởi xướng việc xây dựng đình làng. Được sự hưởng ứng và đồng thuận của dân làng là lấy ngôi miếu thờ Thái Giám để xây dựng Đình làng với diện tích khoảng 1000m2, được xây dựng theo lối kiến trúc tam gian, tứ vị (3 gian, 4 mái), vật liệu là đá cục, vữa thì bằng vôi trộn với nhớt bồ lời, gổ gồm có gỗ liêm và gỗ mít, hai loại gỗ này dùng làm cột, xà, xiên, trính… mái được lợp ngói vẩy cá và ngói âm dương. Những người có công đóng góp tiền của xây dựng đình đều được ghi khắc vào bia, nhưng do chiến tranh văn bia ghi công đức đã bị thất lạc.

Trải qua thời gian chiến tranh và thiên tai, đình làng đã bị hư hại, xuống cấp, con cháu các tộc họ đã nhiều đời kế tục sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình, lần trùng tu gần đây vào năm 1994.

Đình được xây tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Phần kiến trúc trang trí bên ngoài, trên nóc đỉnh trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”, hai bên mái hiên trang trí hình hai con phụng chầu vào chữ “Trung Lương”. Trên mái hiên có xây lầu giả, với nóc lầu xây hình cuốn thư, hình nậm rượu, các góc có hình đầu rồng. Phía ngoài sân là bình phong xây kiểu cuốn thư, mặt trước trang trí hình kỳ lân, mặt sau là hình cá chép hoá rồng, trên hai góc cuốn thư có hình hai con kỳ lân.Cổng tam quan, với các trụ cổng xây theo khối trụ vuông. Dulichgo

Hằng năm, đình làng thường tổ chức hát bội, hát hò khoan,cùng các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đập om đất, đá gà, đẩy gậy. Về phần lễ, có lễ thả Long chu thuyền, lễ xuống đồng, lễ dựng nêu ngày tết,dân làng đã lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày phụng cúng hằng năm, gọi là ngày lễ cầu an và xuống đồng.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Trung Lương là nơi tổ chức học tập chính trị, quân sự do Mặt trận Việt Minh- chính quyền cách mạng ở địa phương tổ chức. Thời ký kháng chiến chống Mỹ, đình Trung Lương, còn được dùng làm cơ sở chỉ huy các đơn vị bộ đội và dân quân du kích vận chuyển vũ khí, lương thực, đánh vào sân bay ĐÀ Nẵng năm 1964, đánh vào sân bay Nước Mặn năm 1968, đồng thời, là nơi che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích của địa phương.

Đình Trung Lương hiện nay, do chủ trương qui hoạch của thành phố nên đã di dời đến khu mới, đình đặt tại xã Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ với một ngôi đình  bề thế, khang trang nằm giữa các khu dân cư mới, các kiến trúc vẫn theo như lối kiến trúc cũ cũng như các di vật được bảo quản , lưu giữ đầy đủ.

Hiện nay đình làng còn có 19 sắc phong, niên đại từ Minh Mạng đến Khải Định, cụ thể:

1.Sắc cho thần thành Hoàng, ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2
2. Sắc cho ngài Khâm sai Bắc quân Đô đốc , ngày 8 tháng 6 năm Duy Tân thứ 5
3. Sắc cho tứ vị thánh nương Đại càn quốc gia Nam hải, ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3
4.  Sắc cho ngài Cao Các Quảng Độ, ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3
5.  Sắc cho ngài Cao Các, ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2
6.  Sắc cho tứ vị thánh nương Đại càn quốc gia Nam Hải, ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2
7. Sắc cho tứ vị thánh nương Đại càn quốc gia Nam Hải, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33
8. Sắc cho các ngài Cao Các, Phi vận Tướng quân, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33
9. Sắc cho thần Bạch Mã, ngày 02 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 Dulichgo

10. Sắc cho ngài Phi vận Tướng quân, ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3
11. Sắc cho nữ thần Thiên Y A Na, ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3
12. Sắc cho ngài Cao Các, ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3
13. Sắc cho ngài Cao Các ngày 26 tháng 12 năm Thiệu Trị  thứ 5
14. Sắc cho ngài Cao Các ngày 21 tháng 11 năm Thiệu Trị  thứ 3
15. Sắc cho ngài Phi vận Tướng quân, ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị  thứ 3
16. Sắc cho ngài Phi vận Tướng quân, ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị  thứ 3
17. Sắc cho nữ thần Thiên Y A Na, ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị  thứ 3
18. Sắc cho nữ thần Thiên Y A Na, ngày 11 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 2
19. Sắc cho ngài Phi vận Tướng quân, ngày 11 tháng 2  năm Minh Mạng thứ 2

Đình Trung Lương - phường Hoà Xuân Quận Cẩm Lệ được công nhận di tích văn hoá cấp thành phố vào ngày 30/8/2006

Theo Danang.gov
Du lịch, GO!