Khách du lịch đến thành phố Đồng Hới, Quảng Bình thường nghĩ đến một dải bờ biển thơ mộng, nơi có bãi tắm Nhật Lệ đẹp nổi tiếng. Không mấy ai biết rằng Đồng Hới có một hồ nước ngọt nằm ngay cạnh biển Nhật Lệ, chỉ cách có hơn 100 mét, đó là hồ Bàu Tró. Đây là một thắng cảnh, vừa là một vùng di tích với những di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ để lại.
Bàu Tró có vị trí tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới ngày nay, tương truyền là bàu nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng. Khi chưa có nhà máy nước, người dân Đồng Hới thường uống nước Bảo Ninh chở sang. Nơi đây hoang vắng, chưa có dân cư và là nơi có miếu Long Vương, thờ thần Hà Bá nổi tiếng linh thiêng. Hồ ngày ấy được giữ sạch sẽ, người dân chỉ đến đây lấy nước về dùng vào việc cúng giỗ chứ ít khi lấy nước Bàu Tró về dùng hàng ngày.
Hiện này, hồ Bàu Tró là nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố Đồng Hới và vùng lân cận với trữ lượng nước gần chục triệu mét khối. Nguồn nước này được khép kín giữa lòng động cát vàng, chỉ cách biển Đồng Hới và vùng cửa sông khoảng nửa cây số. Người địa phương cho rằng thiên nhiên đã ưu ái chắt lọc và ban tặng cho họ một nguồn nước quý giá mà không nơi nào có được. Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã đặt máy bơm dẫn nước vào thị xã Đồng Hới (nay là Thành phố Đồng Hới). Dù mùa nắng, thời tiết có khô hạn đến đâu, hồ cũng luôn đầy nước. Cảnh quan Bàu Tró khá đẹp, bao quanh hồ là rừng cây xanh, tạo nên khung cảnh lãng mạn, thật tĩnh lặng và u tịch.
Mùa hè năm 1923, nhà khảo cổ học người Pháp Etienne Pette đã đến Bàu Tró khai quật một gò cát cạnh hồ và đã phát hiện có dấu vết của người xưa. Và tên gọi: Bàu Tró, một di chỉ của người Việt cổ cũng bắt nguồn từ đó. Nhà khảo cổ học Etienne Pette đã khẳng định người nguyên thủy đã đến cư trú quanh hồ Bàu Tró từ ngàn xưa và đã để lại dấu tích từ trong lòng cát. Những hiện vật thu được từ di chỉ khảo cổ học này hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam gồm: 46 rìu đá, 140 mảnh tước, 2 hòn đá bằng thạch anh, 1 dụng cụ đá dùng để ép, 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, một đốt xương sống cá và vỏ sò, mảnh gốm...
Nhà khảo cổ cho rằng người tiền sử đã để lại các dụng cụ và rất nhiều vỏ ốc là di tích các bữa ăn của họ. Khi nền văn hóa của người nguyên thủy đã chuyển xuống ven biển, ven sông có nghĩa là họ không còn thích nghi ở trong hang động nữa. Nền văn hóa đồ đá mới phân bố khắp nơi trên đất Quảng Bình, từ bắc vào nam, từ núi rừng xuống đồng bằng. Di chỉ Bàu Tró còn khẳng định thêm một điều bí ẩn là ở thời hậu kỳ đồ đá mới, người tiền sử Bàu Tró rất thạo nghề đánh cá biển và việc tìm thấy những mũi tên bằng xương cá chứng tỏ nghề săn bắn lúc này cũng khá phát triển.
Cũng tại Bàu Tró, mùa xuân năm 1980, Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) lại khai quật di chỉ này một lần nữa. Địa điểm khai quật nằm phía tây nam Bàu Tró, cách hố khai quật của nhà khảo cổ học Etienne Pette hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được gồm: 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị mài vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh vỡ đồ gốm của nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa... được trang trí bằng hoa văn đấu thừng, hoa văn khắc vạch có màu đỏ, màu đen ánh chì. Dulichgo
Và điều vô cùng lý thú là nếu năm 1923, nhà khảo cổ Etienne Pette chỉ tìm thấy loại di chỉ cồn Cò Điệp thì nay Khoa Khảo cổ Trường đại học Tổng hợp Huế tìm thấy loại di chỉ mới đó là di chỉ Cồn Đất tại Bàu Tró. Với ý nghĩa khoa học to lớn của di chỉ Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên này để đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố vùng ven biển Nghệ-Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế là “Văn hóa Bàu Tró”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Văn hóa Bàu Tró là nền văn hóa tiêu biểu của miền Trung, là một trong những cội nguồn nảy sinh văn hóa Đông Sơn phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam. Điều này còn chứng tỏ cư dân tiền sử Quảng Bình có sự giao lưu vùng rộng lớn từ Bắc đến Nam Trung bộ, phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt. Dulichgo
Đứng trên đồi cát làng Hải Thành bạn có thể nhìn thấy Bàu Tró và biển chỉ còn một khoảnh khắc nữa là chan hòa vào nhau. Ấy thế mà mạch nước ở đó vẫn cứ trong văn vắt và ngọt mát đến mê hồn.
Bàu Tró là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp nước sinh hoạt, nước nông nghiệp cho toàn bộ vùng Đồng Hới nhiễm mặn. Thuở trước, Bàu Tró thật hoang vu, thật nguyên sơ với một vùng phi lao cổ thụ, với rất nhiều chim chóc, bay nhảy, bơi lặn.
Bên cạnh Bàu Tró có một cái nghè thờ một vỏ lúa bằng gỗ khá to. Có rất nhiều chuyện kể dân gian xung quanh cái bàu kỳ lạ này, trong đó có chuyện cho rằng bàu này ” không đáy” mà thông với một bàu nước ngọt khác đó là Bàu Sen, cách Đồng Hới ngót 30 km đường đất! Đó là cách lý giải dân gian về khả năng “vô tận” của nguồn nước ngọt nhỏ nhoi, quí hiếm nằm lọt vào giữa ba bề bốn bên là nước mặn.
Ngày nay, Bàu Tró không còn cảnh hoang vu, từ những động cát làm thành trì cho hồ đã có một phường dân cư sinh sống. Bàu Tró cũng đang được đặt vấn đề bảo vệ nghiêm ngặt vì nó chẳng những là một di chỉ khảo cổ học, một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nguồn nước sinh kế cho một vùng cư dân trù phú.
Cùng với những di chỉ và truyền kỳ, Bàu Tró nay được Nhà máy cấp nước Đồng Hới quản lý (trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình) có công suất thiết kế cung cấp 9.000 m3 nước/ngày đêm.
Hồ Bàu Tró cùng với hồ Phú Vinh cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP.Đồng Hới và một số xã, thị trấn của huyện Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, hồ Bàu Tró chỉ được khai thác cầm chừng với công suất 3.000m3 nước/ngày đêm (phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20% dân cư TP.Đồng Hới, số còn lại đều lấy nước từ hồ Phú Vinh).
Cho dù là những di chỉ với những câu chuyện kỳ bí hay là hồ nước ngọt hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Đồng Hới thì Bàu Tró vẫn là địa danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất cần được bảo vệ một cách khoa học trước nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng tăng trong tiến trình đô thị hóa hiện nay.
Du lịch, GO! tổng hợp từ báo Quảng Bình và rất nhiều nguồn khác