(PNO) - Nghĩa trang Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Vào những ngày rằm và mùng một, trên mỗi ngôi mộ đều có một cây hương nghi ngút cháy.
Nếu có dịp ra miền Trung, bạn hãy ghé lại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thắp hương trên những ngôi mộ, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ thuộc lực lượng Thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến..., những người đã xây dựng và chiến đấu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Nghĩa trang Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, cách thị xã Đông Hà (Quảng Trị) khoảng 38 km về phía Tây Bắc.
< Đường mòn Hồ Chí Minh dẫn đến Nghĩa trang Trường Sơn.
Không chỉ là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ, Nghĩa trang Trường Sơn còn là tác phẩm nghệ thuật với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và các công trình kiến trúc ẩn chứa những hàm ý sâu xa của nhà thiết kế.
Toàn bộ nghĩa trang được bố trí trên một khu vực gồm 11 quả đồi liên tiếp, rộng hơn 100 ha. Quả đồi trung tâm cao 32,4m là nơi đặt tượng đài và sân hành lễ. Đài tưởng niệm bằng đá trắng có hình một ngọn lửa đang cháy, cao vút uy nghiêm. Phía sau tượng đài, cây bồ đề cổ thụ dang những tán lá rậm rạp làm thành một khoảng râm mát rượi.
< Đài tưởng niệm bằng đá trắng có hình một ngọn lửa đang cháy.
Hai quả đồi hai bên một là nhà bia, một là khu tượng gồm tượng hợp đồng binh chủng, tượng cô gái chữa đường ống xăng dầu, tượng tuổi trẻ hành quân vào Nam chiến đấu, tượng bà mẹ Lào, tượng cô gái Vân Kiều, tượng cô gái giao liên...
Mỗi công trình điêu khắc là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo có thể khiến bất cứ ai cũng thán phục. Dulichgo
< Mỗi công trình điêu khắc là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.
10.327 ngôi mộ liệt sĩ trải trên năm quả đồi, uốn lượn theo thế hình vòng cung hướng về phía Tây. Các khu mộ được an táng theo từng tỉnh, thành phố...
Xen kẽ giữa các khu mộ là những khu rừng thông rậm rạp, ngày đêm vi vu bài ca của gió. Tiếng các loài chim ríu rít, nhiều nhất là chim bắt cô trói cột mà các chiến sĩ ngày xưa hay gọi là chim “Khó khăn khắc phục”.
Những con đường trong nghĩa trang dẫn đến từng khu đồi đều trải nhựa. Lối đi giữa các ngôi mộ được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng. Những vườn hoa, cây cảnh nở hoa bốn mùa, man mác hương thơm. Trong mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm riêng, với lối kiến trúc đặc trưng từng vùng quê của liệt sĩ.
Không chỉ người trong nước, nhiều đoàn khách nước ngoài đã vượt hàng vạn dặm đến thắp hương tại nghĩa trang. Sẽ rất khó khăn khi thắp hương cho từng ngôi mộ. Vì vậy, đoàn nào đến đây cũng thắp chung một bó hương trên đài Tưởng niệm tại khu khánh tiết trên đồi trung tâm trước khi đến khu mộ liệt sĩ tỉnh nhà.
< Vào những ngày rằm và mùng một, trên mỗi ngôi mộ đều có một cây hương nghi ngút cháy.
Tuy vậy, vào những ngày rằm và mùng một, trên bất cứ ngôi mộ nào cũng có một cây hương nghi ngút cháy. Để làm công việc này, các anh chị quản trang phải đi liên tục suốt một ngày dài, với hàng vạn bước chân. Vậy mà đã hơn 30 năm nay, chị Nguyễn Thị Bé, người quản trang đầu tiên và kỳ cựu nhất, vẫn cần mẫn với công việc. Hàng ngày, chị và các đồng nghiệp khác mải miết đón khách, quét dọn, làm vệ sinh, thắp hương trên các ngôi mộ.
Theo Giao Thủy (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!