Wednesday, December 24, 2014

Dế mèn Rán: ẩm thực Tây Yên Bái

Nói đến Nghĩa Lộ là nhắc đến cái nôi của nền văn hóa người Thái, cùng với sự đa dạng của thiên nhiên đã tạo cho mảnh đất này những sản vật đặc trưng riêng biệt  không lẫn với vùng miền nào trên đất nước Việt Nam. Đến với Mường lò - Nghĩa Lộ là đến với mảnh đất của những con người bình dị nhưng chân chất yêu thương cùng những món ăn truyền thống mang tâm huyết của những người làm ra nó, một trong số đó phải kể đến món Dế Mèn rán.

Nếu ai đã từng được thưởng thức món Bọ xít béo ngậy, thơm lừng vào những ngày đầu tháng 7 khi mùa hoa nhãn nở rộ thì xin hãy một lần nữa đến với nơi đây để cùng cảm nhận hương vị riêng có của món dế mèn rán một món ăn dân dã bình dị nhưng lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và chữa được nhiều bệnh. Trong y học cổ truyền, dế mèn tính bình có tác dụng lợi tiểu.

Theo các tài liệu nước ngoài, dế mèn là loại côn trùng giàu prôtít, ít chất béo, giúp giảm lượng coletoron trong máu, thịt dế mèn còn được dùng trong các trường hợp chữa chứng nhiễm độc nước tiểu, đại tiện khó, chữa sỏi thận...

Ngoài công dụng đông y kể trên, trong Dế mèn còn chứa đầy đủ protit, lipit, glucid, nhiều khoáng chất như calci, kali, mangan, natri, sắt, và các vitamin khác rất cần cho sự phát triển của cơ thể và trí não của cả trẻ em và người lớn.

Để có một đĩa dế thơm ngon vàng ruộm người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu bắt dế đến khâu chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế. Trước đây, để bắt những con dế người ta dùng rất nhiều cách như đào hang đổ nước hay bắt dế quanh các cột đèn cao áp tại các tuyến phố Nghĩa Lộ. Ngày nay, do nhu cầu thưởng thức của các thực khách ngày một nhiều hơn nên phương pháp bắt dế truyền thống không đủ để phục vụ nhu cầu đó. Do vậy đồng bào đã nghĩ ra phương pháp nuôi dế trong các trang trại bằng chậu nhựa, thùng nhựa, thùng xốp hay thùng bìa cát tông, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ sạch, rau khoai lang, lá sắn, rau muống. Dế nuôi từ khi mới nở đến khi thu hoạch khoảng từ 40 - 45 ngày. Dulichgo

Dế nuôi hay được bắt về  còn sống khỏe mạnh, đồng bào dùng kéo cắt bỏ những cái chân có phần gai sắc nhọn, tiếp đó là rút phần ruột và bỏ túi hôi ở gáy, thao tác này người làm phải khéo léo để dế còn nguyên con. Tiếp đó, người ta rửa dế bằng nước sôi hoặc nước măng chua rồi đem ướp với nước mắm, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt cho ngấm rồi bắt đầu chiên khi dầu đã nóng già. Đợi dế chín vàng rồi vớt ra cho vào đĩa, rắc lên một ít lá chanh thái chỉ. Dế sau khi chiên xong có màu vàng giòn và mùi đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Khi thưởng thức món thịt dế sẽ nhận thấy vị thơm giòn, ngon ngọt, bùi bùi đầy hấp dẫn. không chỉ có chiên hay rán dế còn có thể chế biến thành rất nhiều món như: dế nướng, dế rang muối ớt, gỏi dế, dế kho tiêu, dế chiên bơ...

Vào những ngày đầu thu, trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng cùng nhau nhâm nhi chén rượu với đĩa dế mèn chiên giòn thì còn gì thú vị hơn.

Theo Thu Hoài (Du lịch Yên Bái)
Du lịch, GO!