(BKT) - Với không gian tự nhiên, nguyên thủy và thuần khiết như nơi đây, tất cả những gì mà con người chạm vào đều phải rất nhẹ nhàng, thận trọng và tinh tế. Muốn vậy, không gì khác chúng ta phải cố gắng lắng nghe và thấu hiểu thiên nhiên...
Huyện Kon Plông có khoảng 101.545ha rừng trong tổng số 138.116ha diện tích tự nhiên. Rừng Kon Plông đa dạng về hệ sinh thái như: hệ sinh thái rừng thông, hệ sinh thái rừng cây lấy gỗ lá rộng, hệ sinh thái rừng hỗn giao. Thành phần động, thực vật rừng rất phong phú, có nhiều loài quý, hiếm, có giá trị cao về bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài rừng già nguyên sinh, Kon Plông còn có các dòng sông Đăk Snghé, Đăk Rô Manh uốn lượn cùng với nhiều con suối, thác, hồ hấp dẫn và thấm đẫm những sắc màu huyền thoại cổ xưa về thần Plinh Huynh và 7 hồ nước: Toong Đam, Toong RPông, Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Ly Lung và Toong Pô…
Có thể xem huyện Kon Plông là huyện nằm trong rừng. Thảm rừng che phủ như một công trình kiến trúc tự nhiên vô cùng hoàn hảo của tạo hóa. Kon Plông lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên có một dạng khí hậu độc đáo. Bức tranh thiên nhiên của Kon Plông ngoài màu xanh thẳm của các hệ sinh thái rừng, còn có hệ sinh thái đất ngập nước của các hồ và các lòng hồ thủy điện có giá trị cao về mỹ quan và kinh tế.
Xuất phát từ việc coi giá trị nguyên sơ, hoang dã là “của quý” không chỉ riêng của Măng đen, của Tây Nguyên mà của cả Việt nam, nhiều chuyên gia khi hoạch định chiến lược du lịch cho Kon Plông đều xem Kon Plông là một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí… đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái.
Đây là loại hình du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi truờng, có tác động tích cực đến việc rèn luyện thân thể, rèn luyện kỹ năng sống, bảo vệ môi trường và văn hoá, đồng thời mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn. Vì vậy, không gì hơn là mời được du khách vào rừng.
Ông Võ Kim Thạch - Trưởng phòng VH-TT huyện Kon Plông cho biết: Trong ba năm lại đây, nhiều tour du lịch khi đến Kon Tum, du khách đã chọn Kon Plông làm điểm đến. Du khách đến đây thường chỉ ở lại 2 ngày 1 đêm. Để giữ chân du khách, huyện đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng các dịch vụ và tăng cường quảng bá về khu du lịch quốc gia này… Dulichgo
< Thác Pa Sỹ.
Đặc biệt trong rừng Kon Plông hiện nay đã có những trang trại lan rừng; vườn thú hoang dã và đặc biệt là hệ thống hang động. Trong rừng Kon Plông cũng có một số hang động đẹp có thể kể đến như hang đá làng Kon Du, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi bồi ven sông, suối, vừa có các trảng cỏ rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng suối chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều thác ghềnh quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi tắm tự nhiên… Có điều, rừng Kon Plông mênh mông, nhiều du khách không dám vào sâu sợ lạc trong rừng. Vì vậy, cần có những dịch vụ và “đội quân” chuyên nghiệp để hướng dẫn du khách vào rừng.
Là người đam mê phượt (du lịch bụi), anh Trần Quang Thảo ở TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong một lần phượt ở Măng Đen, tôi đã vào sâu trong rừng. Đây có thể gọi là điểm phân thủy giữa hai vùng Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây như “Một dãy núi hai màu mây/Nơi nắng, nơi mưa khí trời cũng khác/Như anh với em, như Nam với Bắc/Như Đông với Tây một dải rừng liền…”(thơ Phạm Tiến Duật). Đêm mắc võng trong rừng Măng Đen mới cảm nhận được hết cái thú vị của rừng. Màn đêm thật kỳ bí, thời gian như trôi chậm lại, không gian yên ắng, tôi có thể nghe cả tiếng lá khẽ rơi và thi thoảng lại nghe tiếng thú lạ hú vang trong đêm. Thích thật!
Với câu chuyện mời du khách vào rừng, từ góc nhìn của một nhà kiến trúc, tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững cho rằng: Kon Plông phải được quy hoạch và xây dựng thành một nơi kiểu mẫu về du lịch sinh thái, nơi mà người dân địa phương và du khách cùng yêu quý, trân trọng và gìn giữ các giá trị của rừng, thiên nhiên, văn hóa bản địa và phải giữ những nét hoang sơ của Măng Đen.
Chính nét hoang sơ này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhất, lâu bền nhất và hấp dẫn nhất. Với không gian tự nhiên, nguyên thủy và thuần khiết như nơi đây, tất cả những gì mà con người chạm vào đều phải rất nhẹ nhàng, thận trọng và tinh tế. Muốn vậy, không gì khác chúng ta phải cố gắng lắng nghe và thấu hiểu thiên nhiên.
Khu du lịch này cần một hướng đi cho riêng mình, để tồn tại và phát triển. Sẽ là quá sớm để đưa ra một kết luận vội vàng đối với những gì là giá trị đặc thù của hệ sinh thái Măng đen. Nhưng bà có một cảm nhận rõ nét: “Cô gái Măng Đen”, hoang sơ và thuần khiết, như bông hoa rừng vừa hé nở, là yếu tố làm tôi và nhiều người khác rung động nhất khi lần đầu đặt chân đến Kon Plông.
Theo Dương Lê (Báo Kontum)
Du lịch, GO!