(KTO) - Rượu Đoát có màu trắng đục như nước dừa, mùi thơm rất dịu. Nói là rượu nhưng khi uống vào hoàn toàn không có vị cay, đắng mà rất thanh mát, vị hơi ngọt ngọt. Người dân ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông luôn tự hào vì được “Mẹ rừng” ban tặng đặc sản rượu Đoát. Và, rượu Đoát đã trở thành thức uống không thể thiếu của người dân Ngọc Tem trong các lễ hội của người dân nơi này.
< Anh A Bôn khéo léo cắt cuống hoa để lấy rượu.
Tình cờ biết anh A Bôn (22 tuổi) - ở thôn Điek Nót đang chuẩn bị đi lấy rượu Đoát, chúng tôi liền xin được đi cùng. Anh A Bôn cười vui vẻ: “Phải băng rừng đấy! Đường đi xa với nguy hiểm lắm, chị đi không nổi đâu”. Chúng tôi phải năn nỉ lắm, anh mới miễn cưỡng cho theo cùng. Theo chân các anh, chúng tôi mới biết rằng, không dễ dàng để lấy được rượu Đoát. Ngoài 5km đường dốc đứng đầy sỏi đá lổm nhổm, vào rừng, chúng tôi còn liên tục bị những con vắt và ruồi vàng đeo bám.
Chia sẻ với chúng tôi, anh A Quế cho biết: Đi lấy rượu Đoát bị muỗi, vắt... cắn là chuyện bình thường. Ở những bụi rậm rắn rết rất nhiều, mình phải tinh mắt chứ không là nguy đấy!
Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Trước mắt chúng tôi, trên cây Đoát (theo cách gọi của người dân nơi đây) cao, to, những giọt rượu đang nhỏ vào một ống lồ ô dài tầm 4m, được cố định chắc chắn vào một cành gỗ.
Theo lời của anh Bôn, tầm tháng 3 đến tháng 6, cây Đoát bắt đầu ra hoa (hoa giống như buồng cau), người dân phải đợi hoa già, cắt bỏ phần hoa, chừa lại phần cuống hoa dài khoảng 2 gang tay người lớn để hoa không kết trái mới lấy được rượu.
Vì hoa của cây Đoát nằm trên cao nên anh A Bôn phải dùng hai cây gỗ bắc ngang để leo lên. “Cây này là thấp đấy, nhiều cây Đoát trong rừng cao, to hơn nhiều, có cây còn cao đến 20m, thang lại làm tạm bợ, không chắc chắn như thế này đâu. Vừa rồi ông A Đinh ở thôn Điek Kua đang lấy rượu thì bị gãy thang rồi ngã, may là không bị nặng nhưng cũng trầy xước hết mặt mày… Đi lấy rượu Đoát nhìn vậy chứ cũng nguy hiểm lắm” - anh A Quế tâm sự.
Lên đến ngọn cây, anh A Bôn liền bị một bầy vò vẽ bủa vây, phải lấy cây chổi được làm bằng cọng của lá Đoát (đã làm từ trước) xua đuổi. Ngược với sự lo ngại của chúng tôi, anh A Bôn cười vui vẻ: Vò vẻ thích uống rượu này lắm. Ong uống rượu say, không nhìn thấy mình nữa đâu, chỉ cần nhanh tay là không bị ong chích.
< Dẫn rượu vào ống lồ ô.
Sau khi đuổi được bầy ong, anh Bôn bắt đầu mở dây cột ống lồ ô ra rồi chuyển ống xuống cho chúng tôi. Nắm chặt đầu ống, chúng tôi từ từ đưa gốc ống lên một hòn đá cao, dốc đầu ống xuống để anh A Quế dễ dàng chắt rượu vào can. Sáng hôm đó, chúng tôi lấy được hơn 5 lít rượu. Sau khi đổ được rượu vào can, anh A Quế lấy can nước lọc, tráng cho sạch ống nứa rồi đưa lên lại cho anh Bôn để tiếp tục hứng rượu. Dulichgo
Giống như các công đoạn mà bao người lấy rượu Đoát vẫn làm, sau khi đưa rượu xuống, anh A Bôn dùng dao cắt lấy một lát mỏng tầm 5mm ở cuống hoa rồi dùng dao đục nhẹ vào. Anh vừa cắt xong, chúng tôi thấy một vài giọt rượu tứa ra. Đợi đến khi rượu chảy thành dòng, anh dùng lá thốt nốt cắt thành hình mũi tên để dẫn rượu chảy vào ống. Cẩn thận cột ống nứa chắc chắn đâu vào đấy, anh mới trèo xuống.
“Rượu Đoát được dân làng mình thích lắm nên không bỏ phí đâu. Bây giờ để rượu chảy, đến chiều lên lại là có một ống rượu đầy thôi. Ngày nào mình cũng phải cắt bông thì bông mới không bị hư và cho ra rượu. Nếu mình “theo” (ngày nào cũng đi cắt bông để lấy rượu), một cây bông dài khoảng 40-50cm thì cho rượu được đến tháng 10 mới hết” – anh A Bôn cho biết.
< Rượu đã được chắt vào can.
Lấy rượu xong, chúng tôi bày rượu ra và ngồi uống tại cây. Rượu Đoát có màu trắng đục như nước dừa, mùi thơm rất dịu. Nói là rượu nhưng khi uống vào hoàn toàn không có vị cay, đắng mà rất thanh mát, vị hơi ngọt ngọt, chua chua giống nước dừa. Theo lời của người dân nơi đây, rượu Đoát uống rất thanh mát nên không kể thanh niên hay phụ nữ, ai cũng có thể uống được. Đặc biệt, mỗi chiều uống vào một li sẽ giúp người uống ngủ rất ngon.
Khi lấy rượu Đoát về người dân Ngọc Tem không cất dùng riêng cho gia đình mà mang ra mời bà con dân làng cùng chia sẻ cái ngon, cái ngọt của “Mẹ rừng” ban tặng. Bên can rượu thơm, xóm làng cùng nhau ngồi nhâm nhi, trò chuyện, tình làng nghĩa xóm càng thêm sâu đậm. Rồi những lần trong làng có lễ hội quan trọng, ngoài hương vị rượu cần quen thuộc, những thanh niên trai tráng lại lên rừng, lấy rượu Đoát đem về, góp phần làm cho lễ hội thêm đậm đà hương vị của truyền thống.
Tiếng lành lan xa, không chỉ có những người trong làng ưa thích rượu Đoát mà những vị khách có dịp đến với Ngọc Tem đều muốn một lần được thưởng thức đặc sản này. Uống rồi ai cũng gật gù, thích thú mua thức uống này về làm quà. “Có người từ huyện vào đặt cả chục lít mang về, thấy đặc sản của quê hương được nhiều người ưa dùng mình thích lắm. Hơn nữa, với mức giá 10 ngàn/lít thì mình cũng có thêm thu nhập” – anh a Điếu ở thôn Điek Tem chia sẻ.
Tuy nhiên, rượu Đoát rất dễ bị hư, chỉ để được từ 1-2 ngày, nhà nào có tủ lạnh cũng chỉ có thể giữ được sang ngày thứ 5 là sẽ bị chua. Chính vì thế, nhiều vị khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng ghé vào, dẫu rất thích nhưng sợ rượu hư nên không dám mua về.
Kết thúc chuyến hành trình đầy thú vị chúng tôi cũng được anh A Bôn tặng 2 lít rượu Đoát để mang về làm quà. Nhưng vì quãng đường khá xa, trời lại nắng, sợ rượu bị chua nên chúng tôi đành phải để lại. Dù mới được uống một lần nhưng hương vị thanh mát, thơm ngon của rượu Đoát Ngọc Tem vẫn mãi lưu luyến. Về đến thành phố, kể với những người trong khu xóm, ai cũng tiếc rẻ và mong muốn một lần được lên Ngọc Tem để… uống rượu Đoát.
Nếu có một cách nào đó để bảo quản rượu Đoát, có lẽ đặc sản này sẽ có dịp “xuống núi” về miền xuôi và rượu Đoát sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với vùng đất Kon Plông.
Theo Hoài Tiến (Báo Kontum)
Du lịch, GO!