Sunday, December 14, 2014

Hang Ông Giáp ở Quảng Bình

Ngược con đường 10 huyền thoại, chúng tôi lên xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), ghé thăm lại nơi đã từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa, nơi người dân Vân Kiều vẫn gọi nó bằng cái tên trìu mến - "Hang Đại tướng", nơi mà câu chuyện về vị Đại tướng lừng danh vẫn được bà con kính cẩn lưu giữ và kể cho nhau nghe.

Ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có một quần thể hang động tuyệt đẹp mang tên hang Ông Giáp. Đó là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trú ẩn làm việc và bộ đội Trường Sơn nghỉ chân trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam.


< Trên bức tường đá phía đông của hang vẫn còn rõ dòng chữ: "1- 1972- đoi co".

Người Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) tự hào kể rằng bản làng họ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đến thị sát một thời gian để nghiên cứu địa hình, tìm cách chi viện cho chiến trường miền Nam vào những năm 1972-1973. Ngày đó, Đại tướng từng ở trong hai hang động dọc rặng núi đá vôi Khe Sung, cạnh đường 10 nối đông và tây Trường Sơn.

Từ “nhà hát lớn” của bộ đội Trường Sơn

Chúng tôi được anh Hồ Lâm Hậu, người địa phương, dẫn đường vào hang Ông Giáp. Đó là một hang động nước, phần ngoài được tôn cao để kê bục làm việc. Nước trong hang không biết từ nguồn nào nhưng trong vắt, lội ngập thắt lưng. Qua một ngách nhỏ là một buồng hang lớn, rộng chừng 30 m, đi sâu đến 50 m, trong đó là thế giới của thạch nhũ lung linh, vàng óng, đẹp đến mê hồn. Dulichgo

< Lối vào hang Ông Giáp ở Khe Son đầy thạch nhũ với nhiều hình thù lạ lẫm, đẹp mê hồn.

Một trong những người già nhất vùng là ông Hồ Văn, năm nay đã 80 tuổi, cho biết trước đây hang động này có tên là hang Khe Sung, vì con suối chảy ra từ hang động có nhiều cây sung. Nhưng sau ngày Đại tướng vào ở để làm việc, người dân tự đặt tên và gọi là hang Ông Giáp một cách tôn kính để ghi nhớ công lao của vị tướng tài ba của dân tộc.

Thật ra, trong vùng còn có một hang động khác cũng được đặt tên là hang Ông Giáp, đó là hang ở Khe Son, cách hang Khe Sung chừng 1 km. Đấy là một khu phức hợp kỳ công đầy tuyệt tác của thiên nhiên.

Chúng tôi được người dân địa phương vạch rừng tìm đến, đường dẫn lên hang có 150 bậc cấp dưới tán cây rậm rạp. Vết tích trên tường ghi là xây dựng trong những năm 1970. Dòng chữ màu đỏ ghi “Sở chỉ huy” vẫn còn tươi nguyên. Các con số ngày tháng vẫn còn lộ rõ. Muốn vào hang động phải lách qua một ngách nhỏ, chỉ một người mới chui qua lọt.

Chúng tôi lách người khẽ bước vào, một hành lang rộng rãi dẫn vào một khán phòng khổng lồ. Trong đó đủ cho khoảng 500 người cùng làm việc, có lỗ thông hơi hút khí từ ngoài vào. Đang ở trời nóng bức, vào khán phòng được hưởng không khí mát rượi. Khán phòng được xây dựng tường dày, đổ mái bằng, trên các bức vách vẫn còn đó đường dây điện đài, dấu tích của một thời chưa xa. Theo lối dẫn nhỏ, chúng tôi lên tầng hai của hang động, lối xây cất kiên cố, chắc chắn, trên đó rộng hơn ở tầng dưới, đủ chỗ cho cả ngàn người. Dường như mọi việc của mấy chục năm trước chỉ vừa diễn ra từ hôm qua, thấy đâu đó một không khí nhộn nhịp cho chiến dịch đánh vào Hạ Lào của mùa khô 1972 năm xưa.

Đi ngược lên dãy núi Khe Sung chừng một cây số nữa chúng tôi gặp hang Văn Công, một hang động thoáng rộng, nhiều thạch nhũ kỳ lạ. Nơi đây, các đoàn quân ra trận vào Nam từng ghé lại để thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các văn công biểu diễn.

Cựu chiến binh Đinh Tấn Lực, người từng phục vụ trong hang Văn Công trước đây, cho biết: “Chúng tôi hát trên bục cao, dưới lòng hang là vài ngàn bộ đội, có khi con số lên đến cả 3.000 trong lòng hang này. Nhiều khi đang diễn văn nghệ, máy bay địch đến do thám, rồi trút bom nhưng mọi sự vẫn an toàn, bộ đội vẫn nghe hát để ngày mai lên đường”. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nói: “Đó là những cơ sở an toàn và vững chắc, bí mật và bất ngờ, kín đáo để bộ đội yên tâm hành quân, nghỉ ngơi và điều dưỡng”.

Đến nơi dừng chân của vó ngựa Cần Vương

Bản Cửa Mẹc cũng thuộc xã Ngân Thủy, nằm dưới dãy núi Cửa Mẹc hùng vĩ, nơi đó có hang Vàng sừng sững trải qua hàng triệu năm với nhiều dấu tích thời gian. Tương truyền, thời kỳ Cần Vương, khi bôn tẩu ra tây Quảng Bình và Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi đã từng ghé hang này trú chân. Ở đây, người Vân Kiều trong vùng vẫn truyền ngôn câu chuyện về đoàn tùy tùng xa giá đã chôn trong hang một khối lượng lớn vàng trong đó.

Chuyện kể rằng những năm cuối thế kỷ 19, có hai người Vân Kiều lạc vào hang, đốt đuốc trú trong đó ba ngày. Ngoài trời mưa tầm tã, nước ở trên đỉnh núi trôi tuột vào lòng hang, chảy xối xả ở một lỗ thông hơi, dòng nước xói dần bụi bặm đất đai ở góc hang. Trong ánh lửa bập bùng, thấy lóe lên vật dụng màu vàng, hai người Vân Kiều liền đến xem và phát hiện nhiều đồng tiền vàng, một số kiếm báu, các đồ đồng. Họ về kêu dân làng đi đào, phát hiện rất nhiều vàng trong hang.

Thời đó có một thủ lĩnh trong vùng theo tiếng gọi Cần Vương đã đến động viên dân bản nộp lại cho người đại diện của vua Hàm Nghi từ Minh Hóa vào. Họ nộp hết cho nhà vua. Và từ đó hang Vàng được định danh.

Câu chuyện cứ hư hư, thực thực. Chúng tôi hỏi những người Vân Kiều già ở Cửa Mẹc như ông Hồ Vừ (75 tuổi) thì được trả lời: “Mình nghe người xưa kể thế chứ chưa thấy vàng trong đó bao giờ. Chắc bố mình hay ông nội mình thấy mới kể cho mình nghe thôi”.

Chúng tôi bước vào bên trong hang Vàng. Một không gian lộng lẫy, cổ xưa hiện ra. Quanh hang có đến ba cửa và bốn lỗ thông hơi tự nhiên. Nơi cao nhất khoảng 50 m, rộng nhất hơn 40 m. Có một buồng hang ở tầng thứ hai rộng đến 70 m, nơi đó được dùng làm khán phòng hội họp thời chiến, có thể chứa hơn 2.000 người. Điều đặc biệt của hang động này là được cải tạo, xây dựng nền hang bằng phẳng để làm nơi chứa hàng và nghỉ ngơi tránh bom đạn. Trên vách hang có đề từ một bài thơ bằng nét than của bộ đội ngày xưa: “Trăng lên đỉnh núi trăng tà/ Sao không đứng đó xem ta bốc hàng/ Bên anh thi với bên nàng/ Đố ai ghi được chữ vàng chiến công”.

Thạch nhũ trong hang vẫn còn nguyên vẹn với những cột trụ tự nhiên cao hàng chục mét, những bức tường thạch nhũ chạy dài ngút ngát. Chúng không cũ nát vì khói thuốc của bom đạn mà vẫn tươi nguyên những tí tách từ dòng nước trên đỉnh núi.

< Bức tường thạch nhũ ở hang Vàng.

Sự cuốn hút của hang Vàng còn có một dấu ấn khác. Ở cuối căn phòng hơn 1.000 m2 là vương quốc của loài dơi. Chúng đông dễ chừng đến cả hàng triệu con. Tiếng đập cánh của chúng vù vù như tiếng động cơ trực thăng bên tai. Dưới nền đất là bãi phân của chúng dày đến 3 cm. Người dân địa phương nói vào khu vực đó không nên hút thuốc hoặc dùng lửa, nếu không coi chừng ngọn lửa sẽ bùng lên bởi nơi đây chứa đầy khí metan do phân dơi sinh ra. Thấy động, đàn dơi đang nằm treo tít trên trần hang bỗng giật mình vỗ cánh bay loạn xạ từng lớp, từng lớp ngỡ như không bao giờ hết.

Có thể nói vẻ đẹp nguyên sơ của hang Ông Giáp và hang Vàng vẫn còn nguyên sơ, kỳ vĩ. Tuy vậy, các hang động ở đây đang gióng lên nỗi lo cần được bảo vệ. Hang Ông Giáp ở Khe Sung đang bị bôi bẩn bởi những người địa phương đưa bia và thực phẩm vào ăn nhậu. Trong khi đó, hang Ông Giáp ở Khe Son lại bị ai đó vẽ bẩn lên mặt tường. Đó là chưa nói hang Văn Công hiện đang bị người dân tìm bẻ thạch nhũ về làm hòn non bộ. Duy chỉ có hang Vàng ở Cửa Mẹc là nguyên vẹn vì người trong vùng không cho người lạ vào phá phách.

Theo Minh Quê (báo Pháp Luật TPHCM)
Du lịch, GO!

Ký sự đường 10 - Kỳ 2: Hang Đại tướng