Monday, December 1, 2014

Ký ức...

Bùi Hoằng: Nhân dịp ngày thành lập QĐNDVN, tôi gửi anh bài viết và một số hình ảnh chuyến đi Trường Sơn tháng 7/2014.

Sự ra đời  và bước trưởng thành của Quân Đội NDVN

Từ cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu, cách mạng Việt Nam chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích cục bộ đã diễn ra trên nhiều địa phương. Những tổ chức vũ trang không tập trung và tập trung sinh ra từ lực lượng cách mạng đông đảo của quần chúng đã xuất hiện trong khắp cả nước...

< Dâng hương tưởng niệm Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến.

Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh của quần chúng, sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN được thành lập, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị Người ghi rõ: "Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền".  "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác".  Những đội vũ trang tập trung và không tập trung trong cả nước sinh ra từ lực lượng cách mạng đông đảo của quần chúng, là những tổ chức tiền thân của các lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội nhân dân.

< Dâng hương tại nghĩa trang TNXP tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng bình hồi 17h ngày 26/7/2014, cùng với lãnh đạo các ban ngành huyện Quảng Nình.

Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám thành công. Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân, rồi thành Quân đội quốc gia Việt Nam và về sau, đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, Đảng ta đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đồng loại đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước một tình thế rất phức tạp và chồng chất khó khăn. Cùng một lúc, chúng ta phải đối phó với cả “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Ở miền Nam, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta nhất tề đứng dậy hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cuộc chiến đấu ở thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Tháng 6/1950, ta mở Chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, từ năm 1949 - 1952, Quân đội ta đã thành lập được nhiều đại đoàn chủ lực, như: Đại đoàn 304, 308, 316, 325 và Đại đoàn công pháo 351. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Với 5 đòn tấn công chiến lược, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, nắm quyền chủ động trên các chiến trường Đông Dương và làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi. Kế hoạch của Na-va bắt đầu bị phá sản.

Trước thời cơ thuận lợi, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác đã góp phần giáng đòn quyết định làm thất bại kế hoạch Na-va, đồng thời có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, buộc pháp phải công nhận độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

< Làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ tại nhà bia ngã ba Dân Chủ, trên tuyến đường HCM nhánh Tây,  thuộc địa phận Xã Hướng Lập, Hướng Hóa, quảng Trị.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau năm 1954, miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế đã tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, là chỗ dựa và hậu phương lớn của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ở miền Nam, Mỹ ra sức xây dựng ngụy quân, chỉ huy chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áo đẫm máu những người yêu nước, hô hào “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải”; mở các chiến dịch lớn đánh vào nhân dân, trả thù những người kháng chiến, thẳng tay thi hành cái gọi là “Quốc sách tố cộng, diệt cộng”, “Luật 10/59”…

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959) xác định con đường, mục tiêu, phương pháp cách mạng ở miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc; giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 28/8/1959 nhân dân nhiều xã trong huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17/01/1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng Khởi” lan rộng ra ở nhiều tỉnh Nam Bộ, Khu 5. Từ phong trào “Đồng Khởi”, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

Để chi viên sức người, sức của cho chiến trường miền Nam Bác Hồ Và Bộ Chính trọ đã quyết định mở tuyến chiến lược trên Trường Sơn, sau này được gọi là Đoàn 559. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được phát động một cách độc đáo, khéo léo, phù hợp với thời cơ lịch sử. Cách mạng miền Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn, chuyển hẳn sang thế tiến công. Từ cuối năm 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ vội vàng thay đổi, chuyển sang dùng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

< Di tich đường 10 Cũ từ ngã Ba Dân Chủ đi xuôi dốc xuống đến ngầm Dân Chủ tại km 71 đường 10.

Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Chúng đưa tiền của, vũ khí và cố vấn vào miền Nam, chỉ huy quân đội ngụy tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân, theo chiến thuật “tát nước bắt cá”. Với kinh nghiệm đấu tranh, quân và dân miền Nam đã sáng tạo ra hình thức tiến công “hai chân (quân sự, chính trị), ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận), ba vùng (rừng núi, đồng bằng, thành thị)”, tiến hành thắng lợi một số chiến dịch quy mô nhỏ và vừa (Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài), tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện kỹ thuật của địch, đẩu ngụy quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên.

Từ tháng 11/1963 đến tháng 6/1965, đã xảy ra 14 lần đảo chính và phản đảo chính ở miền Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Manara từ miền Nam Việt Nam về báo cáo trước Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ rằng: “Quân lực Việt Nam cộng hòa đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn đã thất bại”. Trước những thất bại liên tiếp của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam, nhằm cứu vãn tình thế, Mỹ dựng nên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”. Ngày 05/8/1964, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng ngăn chặn sự chi viên sức người, sức của cho miền Nam.

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử : “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” miền Bắc đã phát động nhiều phong trào thi đua ái quốc, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay búa, tay súng” của công nhân, “Ba quyết tâm” của tri thức tạo nên ý chí mới, sức mạnh mới cỗ vũ toàn dân đánh giặc. Trên chiến trường miền Nam, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, lực lượng vũ trang quân giải phóng đã tổ chức các đợt tiến công, bẻ gẫy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - Ngụy.

Mở đầu là chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), tiếp đó là chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966, 1966 - 1967) làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, nhằm giáng một đòn quyết liệt và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta thực sự là “một đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm chấn động dư luận thế giới. Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của dân tộc ta đã có điều kiện mở ra mặt trận tiến công mới về ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm”. Thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc đã nham hiểm thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Quân và dân ta đã phối hợp với quân đội và nhân dân Lào, Campuchia, đánh địch trên khắp chiến trường, đập tan quá trình tiến công, phản kích bằng các cuộc hành quân lớn của địch.

< UBND xã Hướng Lập.

Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn. Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ 2 bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội bắn rơi hơn 600 máy bay, trong đó có chiếc thứ 4.000 bị bắn rơi trên miền Bắc, bắn chìm và bắn cháy gần 100 tàu chiến Mỹ. Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc, buộc Mỹ phải ký “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” (27/1/1973).

Tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975, Đảng ta đã đánh giá so sánh lực lượng và đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam.  Với thế lực mới, quân và dân ta đã chủ động tiến công giải phóng Phước Long (06/1/1975). Ngày 04/3/1975, bí mật, bất ngờ mở chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 29/4/1975, quân và dân ta tiến hành tổng tiến công trên toàn mặt trận. Quân địch hoang mang cao độ, tan rã, rút chạy, đầu hàng từng bộ phận.  Trước thời cơ, vận hội mới, ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực của quân đội ta đột kích, thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành. Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ ngụy quyền trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính “Dinh Độc Lập”.

< Giao lưu cùng lãnh đạo xã Hướng Lập và Cán bộ cs đồn Biên Phòng Cù Bai.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Trong hai ngày 30/4 và mùng 01/5/1975, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, các Quân khu 8, 9 nắm thời cơ phát động quần chúng nhân dân nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, giải phóng vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới do đế quốc Mỹ xây dựng ở miền Nam đã hoàn toàn sụp đổ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sau nhiều năm bị chia cắt nay đã thống nhất. Ước nguyện của Bác Hồ năm 1969: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã trở thành hiện thực.

Sau 30 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề. Nhiệm vụ của Quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, ... bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất”. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” cùng cả nước xây dựng  nền quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh. Theo nguyện vọng của nhân dân trong cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944) cũng là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. /

Bùi Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa
Email: hoang***@gmail.com