(BBĐ) - Bình Định hiện có gần 30 lăng Ông Nam Hải của các vạn chài dọc theo ven biển, mỗi vạn chài có một lăng. Riêng Vĩnh Lợi thuộc xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là nơi duy có hai lăng và mỗi năm có hai lần tổ chức lễ nghinh Ông cầu ngư. Vừa qua (mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch), làng biển Vĩnh Lợi tổ chức lễ cầu ngư lần thứ nhất theo lệ vạn.
< Lễ Hội cầu ngư vạn chài Vĩnh Lợi 2014.
Vạn chài Vĩnh Lợi được hình thành khá sớm (vào cuối thời Lê), trước đây là một ốc đảo, ba mặt Đông, Nam và Tây giáp biển và đầm Đạm Thủy, mặt Bắc là một động cát dài gần 10 km. Từ làng đi bộ vượt qua động cát lên trung tâm xã mất hơn 1 giờ, nên vạn chài được “phong tặng” là “Vĩnh Lợi quốc”.
< Từ ngọn Ngũ Bạch Hổ nhìn về cửa biển Đề Gi.
Là mũi cồn cát bạc màu nối liền với ngọn núi Lan vươn ra biển, người dân nơi đây đã biết tận dụng lợi thế ngư nghiệp để xây dựng kinh tế. Trước đây, đi đánh bắt cá xa lệ thuộc vào gió mùa, vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch gió bấc bắt đầu, ngư dân Vĩnh Lợi dong bườm rời quê hương, gia đình đi đánh bắt phía Nam tận Phú Quý, Côn Đảo: “Đông trên, bắc rải, ơn ngãi xa rời”. Đến tháng 2 - 3 năm sau, nồm rộ, họ dong bườm về lại quê nhà: “Ai trông gió bấc thì trông /Tôi trông nồm rộ cho chồng tôi lên”.
< Miếu Cá Ông tại Cửa Đề Gi.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Lợi bị tàn phá nặng nề, được hồi sinh sau ngày giải phóng năm 1975 và thực sự thay da đổi thịt trong 20 năm trở lại đây.
Hiện nay, vạn chài Vĩnh Lợi chiếm 62% dân số xã Mỹ Thành và có đời sống khá cao trong tỉnh. Đội tàu đánh cá Vĩnh Lợi khá mạnh, quanh năm đi đánh bắt xa bờ tận trong Nam, ngoài Bắc, ngư dân thường chỉ về quê nghỉ trong dịp tết.
< Lễ rước sắc phong tại Lăng Ông Từ Đường.
Về tín ngưỡng, ngoài thờ cúng tổ tiên, người dân vạn chài Vĩnh Lợi còn thờ một số vị thần bản gia như: Ông tổ nghề biển, ông Táo, ông Địa, thần Tài. Thần cộng đồng miền biển được thờ khá phong phú. Có lẽ, đến nay vạn chài Vĩnh Lợi là làng biển phục hồi nhiều nhất những công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, tổng cộng có đến 10 lăng, dinh thờ thần khác nhau: ngoài Đình làng, 2 Lăng Ông Nam Hải còn có Miếu Thanh Minh, Sở Đầm, Chùa Các Bác, Dinh Bảo An, Dinh Ông Sái, Lăng Bà, Sở Trường. Mỗi dinh thờ gắn với những truyền thuyết huyền bí của vị thần được thờ.
< Mũi đá tận cùng của nhóm núi thấp Ngũ Bạch Hổ.
Trong số gần 30 lăng Ông Nam Hải hiện còn ở các vạn chài dọc ven biển Bình Định, mỗi vạn chài chỉ có một lăng Ông, duy nhất vạn chài Vĩnh lợi có hai lăng Ông: Lăng Từ Đường và Lăng Ông Đại. Theo ông Nguyễn Văn Tường - phó vạn Vĩnh Lợi, trưởng Ban Lâm tế cho biết: theo các cụ truyền lại, Vĩnh Lợi lúc đầu chỉ có một lăng thờ chung nhiều bộ hài cốt “Ông”, trong đó có một bộ cốt “Ông” lớn nhất được xếp thờ riêng phía sau bàn thờ chính của lăng, “Ông” về báo mộng không chịu thờ chung cùng các “Ông” khác.
< Lễ nghinh Ông ngoài khơi.
Sau đó, dân vạn xây Lăng thờ riêng cho “Ông” gọi là Lăng Ông Đại, nằm bên cạnh địa điểm mộ “Ông” trước khi lấy cốt đưa về lăng, tại chân núi Lan, ở cuối làng. Đây là khu vực “Ông” bị trôi dạt vào sống 3 ngày rồi mất. Lăng cũ thờ “Ông” chung được gọi là Lăng Từ Đường.
Về lễ nghinh Ông – cầu ngư, có nơi cứ 3 năm làm lễ một lần vào dịp đầu xuân như: làng Thái Dương Hạ (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, hầu hết người dân các vạn chài thường tổ chức lễ nghinh Ông – cầu ngư mỗi năm một lần. Riêng vạn chài Vĩnh Lợi, tại Lăng Từ Đường và Lăng Ông Đại mỗi năm tổ chức hai lệ nghinh Ông – cầu ngư vào các ngày 10 – 11 tháng Giêng âm lịch và ngày 10 – 11 tháng Tư âm lịch.
< Mộ cá Ông lụy tại Lăng Ông Đại năm 2012, cá Ông dài hơn 20m.
Lăng Ông Vĩnh Lợi được xây dựng vào năm 1791. Hiện nay, Lăng Ông vạn chài Vĩnh Lợi còn giữ năm bản sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng: Sắc phong ngày 13.8 năm Thiệu Trị thứ 3; Sắc phong ngày 21.9 năm Thiệu Trị thứ 3. Sắc phong ngày 24.11, năm Tự Đức thứ 33. Sắc phong ngày mồng một tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2. Sắc phong ngày 25.7 năm Khải Định thứ 9. Những sắc phong này được niêm kỹ trong tráp, mỗi năm chỉ được “thăm sắc” một lần vào 4 giờ sáng ngày 10 tháng Giêng âm lịch sau khi được ban tế lễ của vạn thực hiện các nghi lễ quy định.
Lễ hội cầu ngư của các vạn chài vùng biển Bình Định nói riêng và miền Trung nói riêng có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên vạn chài Vĩnh Lợi có đặc trưng riêng, khác những làng biển khác: có hai lăng Ông song song tồn tại và hàng năm có hai lệ cúng rước linh tại cả hai lăng “Ông”. Đó là một nét độc đáo, thú vị của riêng Vĩnh Lợi.
Theo Nguyễn Thanh Quang (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!