Monday, November 24, 2014

Kỳ thú suối thác ở An Lão

An Lão có hơn 10 ngọn thác lớn nhỏ nằm rải rác giữa những tán rừng nguyên sinh thuộc các xã An Toàn, An Vinh, An Nghĩa, An Hưng… 

Trong vài năm gần đây, nét đẹp mê hồn của những ngọn thác giữa đại ngàn An Lão tưởng chừng “ngủ quên” đã thu hút đông đảo khách du lịch địa phương và các vùng lân cận. Vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày tết… nhiều nhóm thanh niên, cán bộ công chức hay khách du lịch cùng đến những ngọn thác như: thác Đá Ghe (xã An Hưng), thác số 8, thác số 10 (xã An Quang), thác Mẹ-Con (xã An Vinh), Suối Đá (xã An Toàn)… để thưởng ngoạn và sinh hoạt vui chơi.

< Câu cá niên ở thác Đá Ghe, xã An Hưng.

Thác Đá Ghe cách trung tâm huyện lỵ khoảng chừng 3 cây số. Nơi đây, với vẻ đẹp nguyên sơ không cảnh quan tái tạo của bàn tay con người, chưa có điểm thu hút mạnh đối với giới tham quan du lịch.

Nhưng Thác Đá Ghe có những điểm nhấn bởi còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên hoang dã của nó, đặc biệt nhất là những bóng mát của cây rừng, những tảng đá to nhỏ nối liền nhau và dòng suối mát chảy dọc theo đường đi, qua con sông Đinh thơ mộng đổ về dòng Lại Giang hiền hòa.

< Suối đá với những hình thù lạ mắt.

Với Suối Đá: Từ trung tâm huyện Hoài Nhơn, thẳng hướng Xuân Phong (xã An Hòa, H.An Lão) khoảng 20 km, sau đó rẽ và đi thêm chừng 5 km nữa là đến con đường dẫn lên xã An Toàn. Dừng lại ở cột mốc cây số 10, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một chuyến dã ngoại đầy thú vị. Từ đường chính, du khách đi bộ xuống suối. Các tảng đá xếp chồng lên nhau, theo thời gian và dòng nước chảy qua tạo nên những hình thù lạ mắt. Ở đoạn này, các lớp đá gắn kết với nhau như những bậc thang khổng lồ, dòng nước cứ thế chảy xuống tạo những thác nhỏ hiền hòa.

< Thác số 10 thu hút đông đảo du khách đến chơi trong ngày lễ.

Các ngọn thác ở An Lão không cao và kỳ vĩ như những ngọn thác ở núi rừng Tây Nguyên, nhưng đa số đều nằm ở vị trí tương đối dễ đi. Dưới chân thác thường có bãi tắm rộng, không sâu và nhiều tảng đá bằng phẳng, tiện để tổ chức các nhóm sinh hoạt vui chơi. Những thân cây to đổ nghiêng bên hai bờ thác rợp bóng mát để du khách dựng lều, đốt lửa nướng thức ăn… Nghỉ ngơi xong, không còn gì thích hơn khi được ngâm mình dưới những thác nước nhỏ, bơi bì bõm trong hồ nước vừa đủ độ sâu và mát lạnh.

< Hồ tắm mát lạnh và trong veo dưới chân thác số 8.

Quanh những ngọn thác này có hệ sinh vật và động vật khá phong phú. Những người thích thư giãn nhẹ nhàng đến đây chơi có thể mang theo cần câu để câu cá niên - một loại cá chuyên sống ở những thác nước và là món ăn đặc sản của núi rừng An Lão. Những du khách thích cảm giác mạnh thú vị nhất là đu theo những loại dây leo mọc quanh các thác để vượt từ ghềnh đá này sang ghềnh đá khác, rồi thả mình từ các vách đá xuống dòng nước mát xanh trong thỏa sức vẫy vùng.

< Cá niên bắt dưới suối.

Tại Bình Định, con đường lên xã An Toàn nổi tiếng từ lâu, không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi con đường đất nhỏ, xuyên rừng, ngoằn ngoèo, đặc biệt là độ dốc của nó. Chiều đi chỉ lên chứ không có xuống.

Rất nhiều du khách đã phải thốt lên “ôi, sao dốc đứng thế” khi trải nghiệm đoạn đèo này. Nếu không muốn đi bộ, du khách nên tìm cho mình một xe gắn máy đủ mạnh để leo đèo, hoặc một chiếc ô tô chuyên dụng leo núi. Dĩ nhiên đồng hành phải là một tay lái “cứng cựa”.

Những con đường mòn trên đỉnh đồi, hàng cau xanh mướt mát bên mạn sườn, lác đác sắc hoa rừng, văng vẳng bên tai là âm thanh ríu rít của các chú chim non, tiếng róc rách pha lẫn tiếng thác đổ… Bức tranh thiên nhiên hoang dã lung linh và mềm mại khiến người ta có cảm giác thanh thoát đến kỳ lạ.

Huyện An Lão đang xây dựng kế hoạch quy hoạch các ngọn thác này để khai thác du lịch. Trong đó, tập trung cải tạo đường đi đến các ngọn thác sao cho dễ dàng hơn. Nạo vét, trục vớt những bãi đá ngầm dưới những bãi tắm nhằm tạo sự an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phục chế, sử dụng các loại nhạc cụ đặc trưng của người H’re, Bana và những loại hình văn hóa độc đáo của An Lão như: diễn tấu tốc chinh, múa xoang… để phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.

Du lịch, GO! tổng hợp