Monday, November 17, 2014

Bản làng bí hiểm trên tuyến du lịch đắt nhất VN

(PNO) - Bản Đoòng là đơn vị hành chính thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) là bản làng duy nhất nằm trên con đường độc đạo trong tour du lịch 6 ngày khám phá Sơn Đoòng. Tour du lịch được xem là đắt giá nhất Việt Nam hiện nay.

Bản Đoòng nằm cách TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) gần 100km. Cách cầu Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh Tây khoảng 7km. Cư dân bản Đoòng là người Vân Kiều sống trong vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Họ là những hộ dân chạy nạn lũ quét năm 1993 từ xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh đến đây sống giữa vùng lõi như biệt lập.

< Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng. Muốn đến bản Đoòng, chỉ có một con đường độc đạo xuyên rừng nguyên sinh.

Họ có 6 hộ dân với 21 khẩu do ông Nguyễn Sỹ Toà (63 tuổi) làm trưởng bản, được dẫn dắt cách sống tự cung tự cấp. Bản chỉ có 5 học sinh tiểu học với một người thầy từ xã Xuân Trạch lên cắm bản.

< Từ Km 35 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, du khách muốn trải nghiệm cảm giác khám phá hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng thì phải vượt qua khoảng 8km đường rừng, đèo dốc đầy vắt rừng vào mùa mưa mới đến được bản Đoòng, rồi sau đó đi tiếp mới đến được hang Én, điểm đầu tiên trong tour du lịch trị giá 3.000USD (gần 64.000.000đ).

< Theo anh Phạm Xuân Huyền, Phó phụ trách trạm Kiểm lâm Km 40 (Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) thì: Bản Đoòng có 7 hộ với khoảng 29 nhân khẩu là người Bru Vân Kiều. Nơi đây không có điện, đường, trạm, cuộc sống của bà con còn gặp không ít khó khăn.

Trận lũ lịch sử tháng 10.2010 cuốn sạch toàn bộ nhà cửa bản Đoòng, họ phải đu bám trên cây suối cả tuần mới thoát chết.

< Ông Nguyễn Sĩ Toàn (66 tuổi) là trưởng bản từ năm 1992. Bản có 7 hộ thì có đến 6 hộ là con cái của ông Toàn, hộ còn lại là cháu trai, (con chú ruột). Theo ông Toàn, trước đây bản cũng có nhiều hộ gia đình, nhưng sau khi có quyết định thành lập VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (năm 2001) dưới sự vận động của các cấp chính quyền, nhiều hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống, chỉ còn lại gia đình ông.

< Bà Hồ Thị Hoa, vợ ông Toàn năm nay đã 55 tuổi. Vì không có đường, điện cũng như trạm xá nên các con dâu của bà Hoa đều đẻ ở bản và không có một sự hỗ trợ y tế hiện đại nào. Nếu bệnh nặng thì cáng đi trạm xá, còn bệnh nhẹ thì tự chữa bằng rễ cây, lá rừng cũng khỏi, bà Hoa cho hay.

Sau lũ, bộ đội biên phòng về động viên lên nơi ở mới cao ráo nhưng người Vân Kiều đã bám rễ lâu rồi không ưng đi. Chính quyền đành dựng lại nhà cho họ trên nền đất cũ, nhưng vẫn không an tâm vì ở giữa chốn rừng hoang vu này dễ bị lũ quét tấn công. Dulichgo

< Phương thuốc bí truyền chữa được khá nhiều bệnh, trong đó có chức năng hỗ trợ cho phụ nữ sau khi sinh được bà Hoa cho biết là được mẹ của bà truyền lại. Nay được bà Hoa truyền lại cho các con, cháu dâu. Uống thuốc này gần 1 tuần sau khi sinh thì phụ nữ có thể đi làm nương, bà Hòa nói.

< Những đứa trẻ ở bản Đoòng đều là cháu nội, cháu họ của ông Toàn và bà Hoa.

< Ở bản Đoòng chỉ có một chiếc tivi, nhưng phụ thuộc vào nguồn điện từ máy nổ chạy bằng xăng. Những đứa trẻ chẳng thể đi đâu vì xung quanh đều là rừng. Chúng chỉ có thể quây quần bên nhau dưới mái nhà và chơi những trò chơi truyền thống.

< Những công việc như nấu ăn, giặt giũ… các em đều làm mà không cần đến sự hỗ trợ của người lớn.

< Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy trồng sắn, lúa, nuôi gà vịt. Họ vẫn thường bán sản vật của mình làm ra cho khách du lịch đi ngang qua, hoặc người đi rừng. Theo ông Toàn thì gia đình ông một tháng nay chưa xuống chợ. Nhiều khi làm được hạt đậu, hạt bắp thì cũng khó bán vì không có đường.

< 5 năm trước, ông Toàn đã đi "xin" để trường học được mở ở bản của mình. Ngôi trường được người trong bản xây dựng, vách gỗ mái lợp lá với số tiền đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Ngày mở lớp học vui lắm vì trước nay người ở bản chưa được học đến lớp 5 bao giờ, ông Toàn hào hứng nói.

< Hiện cả bản có 7 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó 4 em lớp 5; 3 em lớp 3; 1 em lớp 1. Đây là điểm trường thuộc trường Tiểu học Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thường có 2 thầy giáo lên "cắm bản" dạy các em theo từng đợt, mỗi đợt khoảng 22 buổi học.

< Cả bản có 5 - 6 con trâu bò. Cây trồng chủ yếu là lúa nước, lúa rẫy và sắn. Trong đó sắn là cây trồng chính yếu vừa là thức ăn cho người và gia súc, gia cầm. Các loại cây trồng khác như lạc, đỗ rất khó trồng vì heo rừng về phá, không thể nào đuổi được, bà Hoa cho hay.

< Thường, thức ăn chính vào bữa trưa của cả bản là sắn hấp (sắn được bóc vỏ, rửa sạch, sau đó đun cách thủy cho đến khi chính). Bà con ở đây vẫn được hỗ trợ gạo hằng năm nhưng chẳng đáng là bao. Anh Phạm Xuân Huyền, Phó phụ trách trạm Kiểm lâm Km 40 cho biết, đơn vị vẫn thường vận động bà con không phá rừng, đốt nương làm rẫy. "Thời gian vừa qua chúng tôi cũng tuyên truyền bà con cách ứng xử với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài", anh Huyền thông tin.

< Thiếu nguồn nước sạch, nhiều hộ gia đình ở bản Đoòng tự chế dụng cụ hứng nước mưa để sinh hoạt (là một tấm ni lông căng trên 4 cọc).

< Rau dại cũng được hái trên nương làm thức ăn chính. Cũng theo anh Huyền, thì các cấp chính quyền đã nhiều lần vận động bà con bản Đoòng di dời ra khỏi vùng lõi của VQG nhưng bà con không đi vì cho rằng "chiến tranh ác liệt chúng tôi còn ở lại, giờ hòa bình sao bắt chúng tôi đi" (!). Còn ông Toàn thì cho rằng, đại gia đình mình không đi vì không biết lấy đất đâu ra để sản xuất.

< Chỉ nằm cách hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới vài km, nơi du khách 5 châu ưa mạo hiểm chấp nhận trả một cái giá đắt "cắt cổ" để dấn thân khám phá. Nhưng ông Toàn cho rằng, mình đã tới đó một lần và không bao giờ tới nữa. "Tới đó làm gì, tôi tới đó một lần và chết khiếp…", ông Toàn nói.

Theo Hải Nguyên (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!

Sống giữa kỳ quan
Ngỡ ngàng trước Hang Én hùng vĩ