Tuesday, November 18, 2014

“Phượt” miền Tây

(BCM) - Về Sa Đéc dạo phố đêm bên dòng Sa Giang thơ mộng, cùng thưởng thức lẩu cá bông lau; rồi đi Xẻo Quýt trải nghiệm thực tế các loại hình du lịch mùa nước nổi; đến Trà Sư khám phá rừng tràm vào buổi sớm mai; và dừng chân tại Tri Tôn để vui cùng lễ hội đua bò...

Đó là lịch trình đầy thú vị được các “lead phượt” (người tổ chức) mời gọi “xế - ôm” (bạn đồng hành) vào dịp cuối tuần để thoả sức khám phá những vùng đất mới, tìm hiểu về văn hoá bản địa và nghỉ ngơi thư giãn, cũng như trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

Xách ba lô… và đi

Loay hoay với 2 ngày phép cùng 2 ngày nghỉ cuối tuần, chưa biết làm gì để xả “stress” cho những ngày căng óc dốc sức vì công việc, thì “duyên” đến. Trang cá nhân Facebook của anh “phượt thủ” - người đã từng đặt chân đến và khám phá những vùng đất của 63 tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam - đăng tuyển “ôm” cho chuyến phượt cuối tuần khám phá các tỉnh miền Tây. Thế là, bấm số điện thoại xác nhận thông tin và chuẩn bị ngay hành trang lên đường.

Một chiếc ba lô gói ghém một số vật dụng cần dùng, và một cái máy ảnh, thế là… đi. Xuất phát từ Cà Mau, “con ngựa sắt” của anh phượt thủ bon bon theo cung đường định sẵn để kịp đến điểm hẹn vào cuối giờ chiều tận hưởng được không gian mát dịu, thơ mộng của dòng Sa Giang (Ðồng Tháp) khi những ánh đèn phố thị vừa toả sáng.

Lần đầu tiên đi phượt, khá nhiều điều thắc mắc, anh phượt thủ tinh ý, phân bày một hơi: việc đầu tiên khi lên kế hoạch “phượt” là phải xác định thời gian dành cho chuyến đi để chọn lựa địa điểm dừng chân và phương tiện đi lại; giờ giấc tham quan, du lịch cũng phải hợp lý, linh động. Ði miền Tây thì phương tiện chủ yếu là xe máy nhằm tiết kiệm chi phí và tự do khám phá vùng đất nhiều kinh rạch, sông ngòi chằng chịt. Dân “phượt” đúng chất phải là “ăn bụi, ngủ bờ”, thường nhóm sẽ dừng chân tại các điểm có món ngon dân dã, đặc sản của vùng, ví dụ như chiều này khi đến TP Sa Ðéc (Ðồng Tháp) nhất định thưởng thức món hủ tiếu cực ngon; rồi thì sẽ ngủ tại một điểm nào đó trên cung đường chứ tuyệt nhiên không ngủ nhà nghỉ hay khách sạn.

Thấy “ôm” im lặng, anh “xế” cười khì tiếp lời, “ngủ bờ” nhưng trong phạm vi an toàn tuyệt đối với những tấm lều, võng được dựng lên giữa trời để tận hưởng cảm giác tự do, phóng khoáng. Người dân miền Tây rất nhiệt tình, hiếu khách, nhóm có thể xin tá túc tại nhà dân để buổi tối lại được hát hò, trò chuyện bên ly rượu nồng, nghe kể chuyện đời thường bình dị. Ðể đảm bảo sức khoẻ, phải nhớ mang theo thuốc chống muỗi, vắt khi đi rừng, hay khi đến các khu du lịch sinh thái. Dulichgo

Cứ thế, những câu chuyện kể huyên thuyên, những “kinh nghiệm bỏ túi” được chuyền tai suốt dọc dài cung đường gần 200 km. Với những phượt thủ như anh thật đúng nghĩa với câu “Cuộc đời là những chuyến đi”, có lúc anh độc hành, khi thì đi nhóm phượt để thoả sức đam mê, chinh phục của người trẻ. Hết lên rừng, xuống biển, ra đảo, rồi chinh phục đỉnh núi, chỉ cần “xách ba lô… và đi”.

…Và những trải nghiệm thực tế

Tụ họp bên dòng Sa Giang với đêm hẹn hò bên nồi lẩu cá thơm lừng, đoàn phượt đi từ TP Hồ Chí Minh gồm 9 xế, 8 ôm kết nối cùng xế - ôm Cà Mau lên kế hoạch cho hành trình dài hơn 500 km kế tiếp với những điểm đến đầy hấp dẫn: Chùa Lá Sen (Chùa Phước Kiển) - Khu di tích Xẻo Quýt (Ðồng Tháp) - Rừng tràm Trà Sư - An Giang (ngủ đêm tại rừng) - Lễ hội đua bò (Tri Tôn - An Giang) - Khu di tích lịch sử Ba Chúc (An Giang).

Trong suốt hành trình, đoàn đã trải qua đủ mọi cảm giác thích thú khi đi phà qua những con sông chở nặng phù sa, bơi xuồng len lỏi dưới những tán rừng tràm, vi vu trên những con đường phẳng lì, đến những con đường làng đá lỏm chỏm và đất đỏ khói bụi mịt mù,… Tất cả được ghi lại là những bức ảnh đặc trưng của mỗi địa phương như: cảnh đời thường các chợ quê chòm hỏm, cảnh hoàng hôn trên sông, phong cảnh tại những địa điểm tham quan trên đường đi từ Bạc Liêu, Cần Thơ, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang,…

Những cảm xúc thực sự không thể quên, khi có không ít những vấn đề phát sinh, với chút mạo hiểm, thêm "gia vị" cho chuyến đi. Khi đó đã gần 21 giờ đêm mà đoàn còn mò đường tắt về rừng tràm Trà Sư nghỉ chân buổi tối. Cũng chính vì đi tắt, nên lạc không biết. Chị “lead phượt” bảo, “5 phút nữa cổng vào rừng sẽ đóng, mọi người chốt xe, đi nhanh nhé!”. Không hiểu hỏi đường thế nào, xe dẫn đầu bỗng rẽ phải vào lối khác so với “thổ địa” địa phương chỉ dẫn, ai cũng nghĩ chắc lại đi tắt, nên theo luôn.

Trời tối đen như mực, đường đất sình lầy, chỉ kịp nhận rõ 2 bên hoang vắng không nhà cửa, cứ thế đoàn nối đuôi nhau hơn 3 km, thì chị “lead phượt” thấy lạ, ra hiệu đoàn dừng lại hội ý, mới phát hiện đã bị Google Map “lừa”, bởi lẽ, đường vào thì có nhiều lối, hệ thống bản đồ mạng chỉ định hướng đi, còn cổng chính ở đâu thì phải người địa phương mới rõ. Cũng may là không tiến sâu hơn nữa, bởi đó là đường cùng. Thế là đoàn phải quay trở lại.

Lúc này anh xế trấn an, đã đi phượt thì chuyện lạc đường “như cơm bữa”. Hãy hỏi liên tục vài người, nhắm người nào là người dân bản địa hãy hỏi, vì có thể có người không rõ nhưng vẫn chỉ… nhiệt tình. Kinh nghiệm nữa là nếu đi phượt bằng xe máy, hãy chuẩn bị la bàn, tuy nhiên, không khuyến khích về miền Tây sử dụng, vì nó sẽ chỉ đường xuống sông, không biết đâu mà lần, kể cả GPS, Smart Phone hoặc Google Map cũng “bó tay”.

Thử nghĩ, nếu lúc tối lạc đường mà xe bị xì lốp như lúc chiều khi từ Xẻo Quýt về Trà Sư thì dù có chuẩn bị chu đáo thế nào cũng “ngủ bờ” thiệt. Chỉ trong ngày, 3 xe liên tục xì lốp, nhưng không làm khó các chàng “phượt thủ”, chỉ tích tắc các anh đã lôi trong cốp xe đủ đồ nghề sửa chữa, nào là bơm hơi mi-ni, cả bộ dụng cụ vá xe, có cả vỏ xe mới toanh… Anh Vạn lý độc hành (nick Facebook) bảo, đi miền Tây cũng có chỗ vá, nhưng tự vá vẫn nhanh hơn, chứ đi những cung đường đèo, dốc, gập ghềnh, khó tìm chỗ vá nên chuẩn bị thế này sẽ tốt hơn. Một xe mà nằm lại là cả đoàn trễ và có khi phải bẻ cung đường hoặc cắt hẳn cung để đảm bảo chỗ dừng chân an toàn khi trời tối. Ðây được xem là một “kỹ năng mềm” đấy.

Gần 1.000 cây số và những ký ức không thể nào quên. Mặc dù 3 ngày đi phượt không là nhiều để cả đoàn khám phá toàn bộ miền Tây, và dù bản thân cũng là người miền Tây, nhưng qua hành trình đó, thấy sao thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất, con người miền Tây với những nụ cười, những bữa ăn, những cuộc trò chuyện rôm rả.

Những người bạn đồng hành đến từ rất nhiều miền quê cũng đã có những trải nghiệm về cuộc sống nơi miền sông nước. Mỗi người chọn cách chia sẻ lại các chuyến phượt của mình bằng một cách khác nhau. Có người về viết blog, viết sách miêu tả lại hành trình, có người tải ảnh sau chuyến đi lên Facebook, Zalo, nhưng riêng người viết đã có một câu chuyện dài ngày về một vùng miền Tây sông nước qua những bức ảnh đẹp.

Hành trình kết thúc, vẫn nhớ nhung buổi sớm tinh mơ, gió thổi phất phơ trên những cánh sen hồng ở rừng tràm Trà Sư, những con đường quanh co ngập tràn hoa dại trong các xóm làng về với Xẻo Quýt, nhớ những hàng thốt nốt dưới ánh hoàng hôn cứ lập lờ in bóng dưới những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn…

Theo Băng Thanh (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!