Thursday, November 20, 2014

Sông Côn ký sự (Kỳ 6)

(BBĐ - Xưa, sông Côn là dòng sông giao thương, tuyến đường thuỷ quan trọng nối thượng nguồn với hạ đạo; còn nay, sông Côn đã và đang thức giấc bởi những dự án thuỷ điện. Tìm về thượng nguồn sông Côn, thức với Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn, dự án đầu tiên "đánh thức" tiềm năng một "dòng sông thuỷ điện"...

< Nước sông Côn hội về hồ A Vĩnh Sơn.

Kỳ 6: Dòng sông thuỷ điện

Con đường dọc bờ sông Côn uốn quanh như một dải lụa. Theo con đường ấy, chúng tôi tìm về Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn giữa một ngày mưa. Trải qua hơn 30km, chúng tôi đặt chân đến Khu Quản lý và Vận hành của Nhà máy, nằm ngay trung tâm xã Vĩnh Kim, bên sông Côn. Trưởng Khu Quản lý và Vận hành Hoàng Anh Tuấn tiếp chúng tôi tại nơi làm việc.

Sau khi nhấp chén trà nóng để xua đi cái lạnh của những cơn mưa rừng, anh Tuấn giới thiệu: "Khu Quản lý Vận hành là nơi ăn ở, sinh hoạt của gần 50 nam cán bộ, kỹ sư, công nhân viên. Tất cả đều ở Quy Nhơn và các huyện trong tỉnh lên đây công tác. Chúng tôi chia làm ba bộ phận hoạt động: bộ phận khu vực Vĩnh Sơn, đảm nhiệm công tác quản lý và vận hành Nhà máy; bộ phận dịch vụ tư vấn; bộ phận kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ làm việc ngay tại Khu Quản lý vận hành, còn lại đa số đều làm việc tại Nhà máy cách đây vài cây số".

< Khu Quản lý vận hành Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn nổi bật giữa núi rừng hoang sơ.

Tranh thủ lúc cơn mưa ngoài trời đã bớt nặng hạt, anh Tuấn đưa chúng tôi thăm nơi ăn ở của cán bộ, công nhân viên. Đó là bảy căn nhà kiểu biệt thự nhỏ (dạng hộ gia đình riêng biệt) và hai nhà tập thể lớn được trang bị đầy đủ tiện nghi nằm rải rác. Anh Tuấn tự hào nói: "Khu Quản lý Vận hành có hẳn một căng tin riêng phục vụ ăn uống; ngoài ra, còn có cả sân tennis, bóng chuyền, cầu lông, bida, bóng bàn và phòng hát karaoke đầy đủ".

7 giờ tối, chúng tôi lên đường đi dọc bờ nam sông Côn đến Nhà máy. Trời mưa, trừ một đoạn ngắn qua làng Đaktra là còn thấy ánh đèn, còn lại cả quãng đường thật tối và vắng. Nhiều cây cổ thụ lừng lững giữa màn đêm. Đi trên đường tối đen, tôi vẫn hình dung được hình ảnh giận dữ của dòng sông qua tiếng nước lũ về ầm ào bên bước chân đi.

Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn hiện ra trước mắt, những ánh đèn cao áp lung linh sáng bừng cả đêm mưa thượng nguồn. Không gian bên trong nhà máy sáng choang ánh đèn, nhưng lại rất vắng, chỉ có tiếng máy vang rền. Án ngữ ngay tiền sảnh rất rộng ở tầng một là hai cỗ máy tròn, trông như "hai chàng vệ sĩ" hiên ngang. Tiến lên tầng hai, nơi có "bộ não" của nhà máy là phòng điều khiển vận hành trung tâm. Đó là một căn phòng lắp cửa kính trong suốt, rộng khoảng vài chục mét vuông, trang thiết bị tương đối đơn giản với một cái bàn lớn đặt vài bộ máy tính ở giữa. Ngồi trong phòng điều khiển lúc này là các kỹ sư trong ca trực do anh Nguyễn Văn Sỹ làm Trưởng ca.

< Trạm biến áp 110 KV của Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn.

Chúng tôi chú ý trên vách tường, bút tích của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được lồng trong khung kính, treo trang trọng. Trưởng ca Văn Sỹ kể: "Cách đây hơn 14 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tham dự lễ khánh thành nhà máy. Ông đã vào tham quan phòng vận hành này. Lúc ấy, do đại biểu đông, nên ông đứng kê giấy lên bàn, viết những dòng lưu niệm: "Rất mừng nguồn thuỷ điện Vĩnh Sơn khánh thành và hoà vào mạng lưới điện Quốc gia, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Chúc các đồng chí cán bộ công nhân viên Nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn mạnh khoẻ hạnh phúc. Cảm ơn các bạn chuyên gia Pháp và các công ty Pháp đã tham gia công trình này". Từ đó đến nay, bút tích lưu niệm đầy tình cảm của cố Thủ tướng đã đồng hành cùng anh em nhà máy, nhắc nhở chúng tôi phải luôn hoàn thành tốt công việc".

Đi một vòng bên trong nhà máy, chúng tôi không gặp một bóng người nào khác. Thì ra, hệ thống máy móc đã được tự động hoá, nên điều khiển hoạt động của nhà máy chỉ cần mấy người ở phòng vận hành. Anh Sỹ cho biết thêm: "Phòng điều khiển vận hành trung tâm luôn có người trực 24/24 giờ. Mỗi ngày phòng chia ra ba ca trực, mỗi ca bốn người. Chúng tôi theo dõi tình hình vận hành của toàn bộ máy móc qua máy tính và điều chỉnh các thông số kỹ thuật cho phù hợp, cũng như kịp thời phát hiện sự cố. Vất vả nhất là trực ca đêm (từ 21 giờ đêm đến 7 giờ sáng). Mấy anh em trong ca này phải thức trắng đêm với máy, mỗi người trong ca trực chỉ được thay phiên chợp mắt khoảng 45 phút ".

< Hai máy phát điện nằm bên trong Nhà máy.

"Dòng sông Côn chào đón những công trình"

Sông Côn vốn có tiềm năng thuỷ điện vô cùng to lớn, nhưng phải đến tháng 2.1986, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định phê duyệt công trình Thuỷ điện Vĩnh Sơn, tiềm năng này mới chính thức được đánh thức. Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn được khởi công vào tháng 9.1991, trải qua hơn hai năm xây dựng, với bao công sức của hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia trong nước và quốc tế, đã chính thức đưa vào sản xuất và hoà vào lưới điện Quốc gia vào ngày 4.12.1994.

Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn hoạt động trên cơ sở khai thác nguồn nước của dòng sông Côn và các nhánh của nó là Đak Phan và Đak Segnan (đều thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn). Đây cũng là nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên thời ấy, với công suất 66 MW và sản lượng điện bình quân hằng năm 230 triệu KWh. Tuy nhiên, theo anh Sỹ: "Nguồn nước của sông Côn rất ổn định nên đã giúp Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn hoạt động rất tốt. Theo số liệu thống kê, từ khi đi vào hoạt động đến cuối năm 2000, Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn đã sản xuất 1,880 tỷ KWh, đạt sản lượng bình quân 310 triệu KWh/năm, tức là đã tăng hơn 35% so với thiết kế. Đặc biệt năm 1999, sản lượng của Nhà máy đạt 419 triệu KWh/ năm, vượt mọi dự toán thiết kế trước đây. Còn từ năm 2000 trở lại đây, sản lượng điện bình quân năm nào cũng vượt mức thiết kế".

< Các kỹ sư trong ca trực đang làm việc tại phòng điều khiển vận hành trung tâm.

Với Thuỷ điện Vĩnh Sơn, "vàng trắng" sông Côn đã thực sự trở thành dòng điện năng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định và cả khu vực miền Trung. Đặc biệt, nguồn điện năng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng cho các xã vùng thượng nguồn sông Côn ở Vĩnh Thạnh. Ngay như xã Vĩnh Sơn, đến nay, hơn 80% số hộ đã được sử dụng điện lưới Quốc gia, 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Với xã Vĩnh Kim, 4/6 làng đã có điện, hơn 85% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Ông Đinh Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: "Nhờ dòng sông Côn mang ánh điện về, người dân trong xã đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc chúng tôi cũng đã ngày càng mở mang hơn, nhờ được tiếp cận các phương tiện nghe nhìn hiện đại".

Ngay ngã ba đường rẽ vào trung tâm xã Vĩnh Kim, một tấm pa nô hoành tráng đã được dựng lên, để giới thiệu về hệ thống thuỷ điện bậc thang thượng sông Côn. Đó là hàng loạt các dự án sẽ tiếp tục khai thác "vàng trắng" của dòng sông, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn thực hiện. Ngày 27.4.2008, lễ khởi công xây dựng thuỷ điện Vĩnh Sơn 3, 4, 5 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn) đã được tiến hành. Theo các đơn vị đầu tư, thuỷ điện Vĩnh Sơn 3 có công suất 32MW, sản lượng điện hàng năm 102 triệu KWh, thời gian xây dựng ba năm, vốn đầu tư 660 tỉ đồng. Thuỷ điện Vĩnh Sơn 4 có công suất 18MW, sản lượng điện hàng năm 72 triệu KWh, vốn đầu tư 400 tỉ đồng, thời gian xây dựng bốn năm. Còn Thuỷ điện Vĩnh Sơn 5 có công suất 28MW, sản lượng điện hàng năm 98 triệu KWh, vốn đầu tư 600 tỉ đồng, thời gian xây dựng ba năm.

< Trưởng ca Nguyễn Văn Sỹ đang điều khiển máy móc hoạt động trên máy tính.

Cùng với các nhà máy thuỷ điện trên, còn có hàng loạt các nhà máy thuỷ điện khác cũng đã và đang được xây dựng. Chẳng hạn, Nhà máy Thuỷ điện Định Bình (xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo), công suất 6,6 MW, sản lượng điện hàng năm 32 triệu KWh, gồm hai tổ máy và đã phát điện tổ máy số 1; Nhà máy Thuỷ điện Trà Xom (xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Hảo) tổng công suất 20 MW, sản lượng điện hàng năm 84,64 triệu KWh; Nhà máy Thuỷ điện Đăk Ple (Vĩnh Sơn) sử dụng nước từ hồ B và C sang hồ A của Thuỷ điện Vĩnh Sơn công suất 3,2 MW; Nhà máy Thuỷ điện Ken Lút Hạ (xã Vĩnh Hảo), công suất 6MW... Vậy là có tới hàng chục dự án thuỷ điện lớn, nhỏ khác nhau sẽ xuất hiện ở vùng đầu nguồn sông. Trong tình hình khan hiếm điện như hiện nay, các thuỷ điện đã, đang và sẽ xuất hiện trên khu vực thượng nguồn sông Côn sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, đồng thời, tăng cường khả năng đáp ứng nguồn điện tại chỗ cho tỉnh Bình Định.

Chia tay Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn, xuôi theo con đường men dòng sông Côn đang cuồn cuộn trong mùa lũ, chúng tôi nhẩm lại mấy câu thơ trong bài "Vĩnh Sơn cho những công trình", do chính cán bộ Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh sáng tác: "Vĩnh Sơn nhớ, một tháng hè rực lửa/ Dòng sông Côn chào đón những công trình/ Ta đắm mình trong hạnh phúc hân hoan/ Bình Định sáng những công trình thuỷ điện...".

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!