Sunday, November 30, 2014

Đèo Triệu Hải say lòng dân phượt

Nguyên văn từ Vnexpress là 'Đèo Triệu Hải, cung đường mới làm say lòng dân phượt'. Tuy nhiên, đây thực ra không phải là mới vì có nhiều nhóm phượt hồi năm 2012 đã xuất phát từ Đạ Tẻh đi Tôn K’long (Đạ Pal), qua thủy điện ĐaM'bri... và đích đến là Bảo Lộc. Một trong những chuyến đi đó Điền Gia Dũng mình tóm gọn tại bài 'Đường lên Tôn K’long'.

< Hồ Tâm Châu.

Vậy nhưng đây vẫn là cung đường ít người biết vì chả mấy ai nhắm đến do khó khăn và nhiều hiểm trở. Chính vì vậy nên cung đường này vẫn là chốn đi tuyệt vời và mình xin tổng hợp lại để bạn nào thích thì tham khảo trước khi lên đường. Tôn K’long vẫn còn khó khăn lắm, vậy nên nếu nhóm bạn chinh phục cung đường này xin hãy cố gắng thu xếp một ít quà cho trẻ em tại đây nhé: áo ấm, áo mưa, tập vở, quà bánh... sẽ giúp các bé vui và chính bạn cũng vui lây.

Cung đường đèo Triệu Hải cắt phía Đông phần tiếp giáp rừng Nam Cát Tiên từ Đạ Tẻh lên khu vực thác Dambri, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Đây là hành trình đầy khắc nghiệt và thú vị mà dân phượt đã và đang say mê thử thách.

Có hai cách để bạn chinh phục cung đường Triệu Hải. Cách đầu tiên là từ Đạ Tẻh, theo con đường nhựa phẳng phiu hướng thẳng về phía Đông, vượt qua khu vực thác Triệu Hải, vượt khu vực dân cư thuộc xã Đạ Pal, qua các rẫy và đôi cây cầu nhỏ thì bắt đầu vào cung đường nền đất xuyên rừng đi Tôn K’long.

Tôn K’long thuộc xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Chỉ cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh 18km nhưng ta phải mất trên dưới 2 tiếng đồng hồ đi xe máy mới lên được nơi cư trú của đồng bào.

Rồi sau đó rời Tôn K’long, theo đường mòn xuyên rừng hướng về ĐạmB'ri sau khi vượt nông trường trà Tâm Châu. Trong mùa mưa, đường từ ĐạPal qua Tôn K'Long hướng về ĐạmB'ri là con đường kinh dị với nhiều dốc đứng, đường trơn và nhiều hố bùn nhão - có địa điểm phải qua ngầm sẽ là mối nguy hiểm thật sự và chỉ dành cho những nhóm off-road có kinh nghiệm luồn rừng (Dulichgo).

Cách dễ hơn (xem ảnh) là từ trung tâm thành phố Bảo Lộc rẽ đường đi thác Dambri, đến ngã ba đi hồ Tâm Châu thì rẽ trái. Từ đây có bảng hướng dẫn đi vào đập thủy điện Dambri.

Từ đồi chè Tâm Châu trở đi đường bắt đầu nhỏ và xấu với nhiều đá hộc lớn. Cung đường này được mở ra nhằm phục vụ cho việc xây dựng đập thủy điện nên sau khi đập hoàn thành đã bị bỏ hoang.

Uốn lượn theo bên dưới là hồ thủy điện với màu xanh kỳ lạ và độc đáo. Màu xanh này được suy đoán được tạo bởi cao lanh, các khoáng chất trong đất đá hòa vào nước hồ dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.

Hồ nằm sâu bên dưới và được che chắn bởi các ngọn đồi cao xung quanh, gió không lọt xuống nên mặt nước hồ phẳng lặng như gương soi. Dân phượt đặt cho hồ một cái tên vui là: “Lục kính hồ” (hồ gương xanh).

Từ hồ đi tiếp hướng về Đạ Tẻh, mọi người sẽ bắt gặp một bãi đá khổng lổ nằm bên trái, được thiên nhiên tạo hình hết sức kỳ vỹ.

Đây là bãi đá vôi hình thành từ nhiều triệu năm trước, theo thời gian bị nước mưa xói mòn tách ra xuất hiện nhiều khe vực sâu.

Từ đây trở đi, 'đường' bắt đâu nhỏ hẹp nhưng khung cảnh cũng nên thơ và hoang liêu hơn rất nhiều. Những hàng lau cao vút quá đầu người cứ vây quanh uốn lượn theo các cung đường càng làm tăng sự hưng phấn và ý chí tuổi trẻ.

Nhưng niềm vui thưởng thức không kéo dài lâu, đường bắt đầu ngập trong sình lầy. Và những con suối với bờ dốc lên cao khiến nhiều đoạn phải khiêng xe để vượt qua.

Tay lái lúc nào cũng phải gồng cứng, tâm lý căng như dây đàn để chắc chắn không có sai sót. Sự cố có thể đến bất cứ khi nào trên đường nhưng đi phượt theo nhóm sẽ được mọi người hỗ trợ nhiệt tình để cùng nhau tiếp tục hành trình.

Càng về sau cung đường càng khó, dốc càng cao bánh xe lọt thỏm xuống những khe hẹp do bùn đóng khô tạo thành. Hết bùn khô lại đến sình dày đặc, xe ngập trong sình không thể nào chạy được, mọi người phải cùng nhau khiêng từng chiếc một.

Đối với các thành viên là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm đi phượt cũng như chinh phục các cung đường hiểm trở, thế nhưng chuyện trượt bánh té vẫn xảy ra thường xuyên.

Sau hơn 3 giờ rưỡi vượt qua đoạn đường chỉ chừng 40 km dường như đã lấy hết sức lực của đoàn phượt.

Sau những phút giây mệt mỏi trên con đường chinh phục, Triệu Hải cũng ban tặng món quà thú vị cho những kẻ lữ hành. Chính là cảm giác được khám phá và vẫy vùng trong làn nước mát của thác Xuân Đài cách đó không xa.

Hành trình chinh phục cung đường đèo Triệu Hải thật sự là một trải nghiệm thú vị để bạn học hỏi nhiều kỹ năng như giải quyết khó khăn, xử lý sự cố và hơn cả là tìm ra các giá trị tiềm ẩn trong chính bản thân mình cũng như tận hưởng thành công.

Theo Quỷ Cốc Tử (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Tôn K’Long được thành lập vào năm 2000 theo dự án giãn dân của UBND tỉnh Lâm Đồng. 284 hộ đồng bào gốc địa phương (K’Ho) ở các xã và thị trấn Đạ Tẻh thuộc huyện Đạ Tẻh được đưa lên Tôn K’Long để định canh định cư nhưng do khó khăn và trắc trở về đường xá nên số dân giảm dần. Tôn K’Long được chia thành hai thôn là Tôn K’Long A và Tôn K’ Long B. Để leo lên được những đoạn đường dốc, các vũng sình lầy bánh xe phải mặc áo xích, người lái xe phải có tay lái cừ.

Do đường sá đi lại có nhiều bất cập nên sản lượng nông sản do bà con làm ra như cà phê, chè, điều… thường bị các thương lái ép giá. Thầy giáo lên dạy chữ cho con em đồng bào cũng chẳng mặn mà với vùng đất mới. Năm 2011, UBND huyện và UBND xã Đạ Pal đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để đổ đá, sửa lại đường cho bà con. Tuy nhiên, do chất đất đỏ bazan vừa mềm vừa dẻo lại dính cộng thêm các xe chở gỗ ra vào thường xuyên nên con đường vẫn còn lầy. Đường lên Tôn K’ Long là đường liên xã, kế hoạch về mở rộng con đường, làm lại đường mới cho bà con đã được đề xuất lên cấp trên nhưng vẫn chưa được triển khai vì còn chậm về nguồn vốn nên đành phải chờ (Dulichgo)...