(BVL) - Cũng là cá lóc nướng trui nhưng mỗi vùng lại mang một phong vị khác nhau bởi sự khéo léo của người nội trợ và sự đa dạng của các loại rau ăn kèm. Đã từng một lần đến Đồng Tháp thì khó mà quên được vị chan chát, nhân nhẩn của lá sen non ăn cùng với miếng cá lóc nướng chấm vào nước mắm me.
“Lão Năm” là cách gọi trìu mến của người dân nơi đây khi nói về ông Năm Lô. Một ông lão già, dáng người nhỏ nhắn, gương mặt đầy dấu vết thời gian. “Tao vừa câu được con cá lóc to lắm, để tao nướng cho tụi bây cuốn lá sen non chấm nước mắm me, lai rai vài ly với tao cho vui”. Buổi chiều tĩnh lặng, ngồi ở cái chòi lá giữa đồng bát ngát hương sen, lồng lộng gió nhâm nhi ly rượu, ngân nga vài câu vọng cổ và thưởng thức món cá lóc nướng trui cuốn lá sen non mà ông Năm thết đãi thì “bá cháy”.
Ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của con người ở cái xứ Đồng Tháp “đất mặn phèn chua” từ những ngày hoang sơ cho đến hôm nay. Đúng như câu “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn” mà ông thường nói, Đồng Tháp hôm nay là nơi “đất lành chim đậu”, cuộc sống người dân hết sức sung túc. Nhờ cuộc nói chuyện trên mà tôi biết được cá lóc nướng trui là món ăn gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp của ông cha ta.
Thuở xưa, Nam Bộ là một vùng rừng rậm hoang vu, nhiều thú dữ và tứ bề hiu quạnh “chèo ghe sợ sấu cắn chưn, xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma”. Bên cạnh nét hoang vu thì thiên nhiên cũng có phần ưu đãi cho những con người đi tìm vùng đất mới. Sản vật phong phú, cá tôm đầy ắp nên cuộc sống của đoàn người khai hoang mở đất có phần thuận lợi.
Cá tôm bắt được nhiều lắm, song giữa đồng vắng thiếu gia vị, dụng cụ chế biến nên người ta nghĩ ra cách chế biến cá thật đơn giản cũng như bảo quản cá để ăn dần. Và lấy rơm ra nướng chín cá là một trong những phương án trên. Song nướng cá cũng cần có kỹ thuật: Ém một phần rơm xuống phần đầu cá và bụng, vì đây là những phần lâu chín, sau đó phủ rơm lên toàn bộ và châm lửa đốt. Người nướng phải ước chừng được lượng rơm vừa đủ để cá chín tới, chín đều.
Nhiều rơm quá thì cá cháy khét hoặc thịt không ngọt, thiếu rơm thì thịt cá nhão, có vị tanh. Nếu là những con cá to, tầm 1kg trở lên thì phải đổ nước từ miệng vào dạ dày cá trước khi nướng, như vậy khi nướng cá, nước trong bụng cá cũng sôi, làm chín phần ruột cá ở bên trong.
Với người sành ăn, thưởng thức món cá lóc nướng thì bộ đồ lòng cá là “ngon nhứt xứ”. Sau khi cá chín, dùng một bó rơm khô phủi sạch phần vảy cháy khét bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng, thịt cá trắng nõn thơm lừng chấm cùng với muối ớt, nhâm nhi vài ly rượu và trò chuyện với bạn bè thì “đến thượng đế cũng phải thèm”.
Từ đó, cá lóc nướng trui trở thành món ăn để tỏ lòng hiếu khách của người dân Tây Nam Bộ “Đập con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”. Ngày nay, khi cuộc sống có phần sung túc hơn, cách chế biến và thưởng thức cá lóc nướng trui cũng có phần đổi khác. Cá nướng chín được xẻ ở phần sống lưng rắc lên ít đậu phộng, thêm chút mỡ hành rồi cuốn cùng bún, các loại rau sống chấm nước mắm me.
Cũng là cá lóc nướng trui nhưng mỗi vùng lại mang một phong vị khác nhau bởi sự khéo léo của người nội trợ và sự đa dạng của các loại rau ăn kèm. Đã từng một lần đến Đồng Tháp thì khó mà quên được vị chan chát, nhân nhẩn của lá sen non ăn cùng với miếng cá lóc nướng chấm vào nước mắm me. Lá sen được chọn để cuốn cá lóc phải là những lá non vừa nhô lên mặt nước, hai mép lá cuốn tròn vào giữa tươi roi rói. Nước mắm me ngon phải sền sệt có vị thanh của me sống, vị cay của ớt, vị ngọt của đường và thơm nồng của tỏi.
Thế đó, cá lóc nướng trui không chỉ là món ăn đơn thuần mà trong đó còn có cả cái hồn của đất, cái tình của con người Nam Bộ.
Theo Ngọc Liễu (Báo Vĩnh Long)
Du lịch, GO!