(VNE) - Phượt không đơn thuần là cách những người trẻ thỏa mãn khát khao chinh phục những miền đất lạ, những nền văn hóa mới, đó còn là tình yêu và sự sẻ chia với cộng đồng.
< Những nghĩa cử và tấm lòng cao đẹp ấy là dấu ấn cho những năm tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ để lại, là nỗi niềm trăn trở cùng nỗi khó khăn của người vùng cao, cũng là những bông hoa thầm lặng góp vào rừng hoa thơm của đất nước.
Xây trường học, thư viện cho trẻ em vùng cao, quyên góp ủng hộ quần áo, sách vở và đồ dùng sinh hoạt, tặng những bức ảnh nơi mình đặt chân đến… là những hành động giản đơn nhưng ẩn chứa trong đó là cả một nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng trắc ẩn đối với con người mà những hội nhóm phượt đã và đang làm được.
Tặng đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm
< Đó không đơn thuần chỉ là vật chất mà còn là tình cảm ấm áp mà các phượt thủ muốn gửi lại ở những nơi từng đặt chân qua.
"Có một nơi mà quanh năm trẻ con chỉ biết làm bạn với sương mù, mây và gió… Lần thứ 2 trở lại Háng Đồng, mỗi chúng tôi mang một tâm trạng khác nhau nhưng đều vui vì đã mang được chút quà nho nhỏ từ những tấm lòng hảo tâm dưới xuôi đến với các em. Dẫu chỉ là chiếc chăn ấm, chiếc màn, đôi dép nhựa, cặp sách hay chiếc ô nhỏ để che mưa, che nắng trên đầu khi các em phải xuyên qua những ngọn núi đến lớp học con chữ…” Đó là chia sẻ của M.Đ về một trong những chuyến đi cùng các bạn đến xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Giữa cái lạnh quanh năm của vùng cao hẻo lánh, những món quà vật chất nhỏ bé, đơn sơ như sách vở, đồ chơi, đồ dùng học tập, ủng đi mưa, đôi dép tổ ong, hay chiếc áo khoác… mà các phượt thủ quyên góp được thật đáng quý. Ngoài ra, nhiều hội nhóm còn gửi quà cho các hộ dân như chăn bông, mỳ tôm, muối… hoặc bát đĩa, chảo, bạt, chăn đắp .... cho các giáo viên bản cao.
Xây trường học
Từ những chuyến đi phượt đến những bản xa xôi hẻo lánh nơi địa đầu Tổ Quốc, chứng kiến cảnh học trò vùng cao ngồi học trong lán sập xệ, đi chân đất, mùa đông không có áo rét… họ, những người trẻ đi phượt đã quyết tâm hành động, thực hiện khảo sát, bàn bạc với chính quyền và có những kế hoạch chi tiết cho việc tu sửa, xây dựng mới các lớp học đang xuống cấp.
< Hết ngôi trường này đến lớp học khác, với những người trẻ đi phượt, đơn giản là cần phải làm thế, lâu dần thành cái duyên.
Nhờ đó, ở một số nơi như Lào Cai, Sơn La trẻ em đã có trường học khang trang, an toàn để có thêm động lực đến lớp.
Các dự án xây dựng hoặc tu sửa trường học được thực hiện trên cơ sở kêu gọi chung tay góp sức từ nhiều nguồn như chính quyền địa phương tạo điều kiện tìm cơ sở mặt bằng phù hợp, phía dân bản đóng góp ngày công lao động, phía các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí mua vật liệu xây dựng và giám sát công trình...
Món quà tinh thần
Ngoài ra, cộng đồng phượt còn có vô vàn hình thức làm từ thiện khác như kêu gọi ủng hộ sách, truyện để lập tủ sách, thư viện cho các trường ở trung tâm xã có học sinh nội trú nhiều, dạy học, làm khai giảng, tổ chức chương trình trung thu có bánh kẹo, có đèn lồng...
Vẫn còn đó những trăn trở
“Nhìn những nụ cười rạng rỡ, gương mặt hạnh phúc và háo hức của các em khi đợi các anh chị tình nguyện viên chiếu phim hoạt hình Tom & Jerry cho xem, lần đầu tiên được ăn bát cháo gà mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Những giây phút ấy qua đi, bọn trẻ lại trở về cuộc sống thường ngày, với cái đói, cái rét.
Chia tay các em để về lại Hà Nội, chúng tôi đã bật khóc khi chứng kiến bữa cơm tối của mấy đứa trẻ con chủ nhà nơi cả đoàn ngủ lại chỉ là bát rau sắn rừng luộc chan nước lã và đĩa muối trắng... mà theo như lời trưởng bản đây là gia đình khá nhất trong số 76 hộ của bản. Đến bao giờ giấc mơ được ăn no, mặc ấm của các em mới trở thành hiện thực?” Đó là tâm sự đầy trải lòng của một trưởng đoàn trong lần đi phượt lên Lào Cai.
Cho đi để nhận lại nhiều hơn
Có lẽ nụ cuời và ánh mắt ngập tràn niềm vui của những người xa lạ nơi rẻo cao nghèo khó sẽ còn là động lực để những thế hệ người trẻ chân cứng đá mềm hơn trên những chặng đường chinh phục sắp tới.
Theo Lê Thương, Mỏ Đỏ (Vnexpress)
Du lịch, GO!