(SĐO) - Mấy ai xuôi Hương Tích mùa không hội. Bởi vậy cả vùng non nước này mới lặng lẽ, yên ả. Suối Yến mùa không hội là mùa của hoa và cây, là sơn thuỷ hữu tình tái sinh từ những câu thơ xưa cũ…
Ồn ào mùa hội
Phải gần hai mươi năm tôi không đến chùa Hương vì những hình ảnh chen lấn, xô đẩy trên các bậc đá nhỏ hẹp dẫn lên động Hương Tích cứ ghim chặt trong trí nhớ tôi từ lúc còn là một đứa bé. Ngày đó tôi đã rất sợ. Mẹ, dì và bác phải đặt tôi lên một hốc đá trên sườn núi để dòng người không đẩy tôi lạc mất. Những ám ảnh đó dần hình thành trong tôi phản xạ tránh xa những chốn ồn ào, đua chen. Thêm vào đó, cái cách người ta làm lễ hội, tham gia lễ hội đã và đang phá hỏng cả sự tôn nghiêm lẫn văn hóa của chốn thiền môn cũng khiến tôi bàng quan hơn với những lễ lạt hội hè.
Chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, khi cái phong vị Tết vẫn chưa kịp phôi pha, và kéo dài suốt 3 tháng ròng rã. Có lẽ do tín ngưỡng quá lớn của người Việt, nên dường như tất cả những gì gắn với chùa Hương, động Hương Tích và cả vùng Hương Sơn đều là những hình ảnh xoay quanh mùa trảy hội. Từ trong tâm khảm nhiều người, đến Hương Tích là cuộc hành hương băng suối, vượt núi để tới chiêm bái dưới chân Đức Phật. Thế nhưng khi hàng ngàn, hàng vạn người chen chúc để đến dưới Phật đài tạo nên một khung cảnh náo nhiệt, đôi khi còn hỗn loạn, thì chắc hẳn cái tâm thế “trảy hội”, “vãn cảnh chùa” sẽ bị bỏ qua và bỏ quên.
Suối Yến – độc đạo dẫn tới chân núi Hương Tích - vào mùa hội thường đục ngầu, không chỉ bởi nước mùa này cạn hơn, mà còn bởi tấp nập đò xuôi ngược. Đò nọ nối đò kia san sát đến độ những người lái đò phải khéo léo lắm mới không va mái chèo vào nhau. Và trong cái cảnh hỗn độn ấy, bao nhiêu vẻ đẹp của cảnh non nước hữu tình đã làm nao lòng tao nhân mặc khách từ bao đời chỉ còn nằm trong những câu thơ cũ, thay vì đi thẳng vào đáy mắt của người hành hương.
Mãi tới những năm gần đây tôi mới quay trở lại vùng non nước này, khi hội đã tan, để rồi phát hiện ra những điều thật khác khi lễ hội đã qua đi và trả lại bình yên cho suối Yến.
Con đò nhỏ đón tôi từ bến Yến, qua vài trăm mét đường bê tông không còn vẻ gì là một triền đê cũ, rồi trôi vào dòng Yến Vĩ - con suối bắt nguồn từ chân núi Hương Tích chảy qua ấp Yến Vĩ xưa kia nên mới có tên như vậy. Chỉ đến khi không còn những xô bồ của mùa hội thì dòng Yến Vĩ mới trở nên khoáng đạt. Nước lách rách theo từng nhịp khua của mái chèo đẩy con đò lướt đi.
Đến Hương Sơn lễ chùa, việc đầu tiên cần làm là ghé qua đền Trình, cách bến Yến chừng 1km, thắp nén hương xin phép Thần linh trước khi tiến vào cõi Phật. Rời ngôi đền thiêng, con đò mới bắt đầu tiến vào cõi hoang sơ vốn có của suối Yến. Những hàng cây bụi và le, sậy mọc xanh rì hai bên. Phía trên những ngọn cây, thi thoảng cả đàn chim nhỏ sà xuống rồi lại cùng nhau bay đi, vài con “cá biệt” cứ đậu lại rỉa cánh mãi. Dọc bên bờ suối lác đác mấy ngôi nhà tranh, có người chủ ngồi tư lự trên thuyền nhìn đâu đó xa xôi lắm. Đôi khi có con đò nhỏ neo đậu đơn côi trong một ngõ vắng quạnh hiu.
Huyền ảo Mùa cây
Suối Yến có những cảnh mà người ta cứ ngỡ chỉ có thể có ở sông nước miền Tây hoặc một khu đầm lầy nào khác không phải thuộc Bắc Bộ. Một buổi chiều thu, hoàng hôn đang đổ bóng, người lái đò khua nhẹ mái chèo đưa chúng tôi qua hết nhánh suối này đến nhánh suối khác. Gặp được một người lái đò nhiệt tình lại hợp ý nhau là điều may mắn cho cả hành trình.
Chị đưa chúng tôi len lỏi vào cả những con lạch bé xíu và những khu đầm chẳng mấy người qua trừ dân trong vùng. Bởi vì mùa thu luôn có một thứ nắng rất lạ, từng tia chói nhòa nhưng lại mỏng manh như thủy tinh, nên việc ngồi trên một con đò để mình trôi trên mặt nước qua những rặng cây là một việc chẳng bao giờ phải hối tiếc. Suối Yến vào mỗi thời điểm trong ngày lại có một vẻ riêng. Trong những thời khắc của hoàng hôn, mỗi giờ trôi qua, nắng lại đổi khác từng chút một.
Dọc hai rặng cây xì tràm trên một nhánh suối nhỏ khi trở ra từ bến Trò, nắng lóe lên sau chiếc lá non xanh mọc phía trên ngọn cây và xiên xuống mặt nước. Thu là mùa xì tràm thay lá. Cả một rặng cây trơ trụi mơn mởn chút lá mới và sáng nhòa khi ngước mắt nhìn. Thế nhưng, khi cúi xuống và ngược chiều nắng thì cảnh tượng lại trở nên ma mị bởi những cành nhánh chi chít đang soi bóng trong lòng suối. Nước suối trong vắt, đặc biệt là ở các nhánh nhỏ. Bởi vậy nhìn đâu cũng thấy cây. Cây mọc trên suối tạo thành các màn trình diễn thị giác. Còn nắng? Nắng lại tạo nên những ảo ảnh...
Sang đến một nhánh suối khác, đò tôi như đi lạc vào “cõi mộng”. Cây lá xanh rì, um tùm ngang tầm tay với, nhiều khóm là là sát mặt nước. Có vài cây sung quả chín đỏ mọng ngay đầu lối đi vào “ngõ nhỏ” này. Ở giữa, không hiểu vì sao lại thấy xuất hiện một chiếc “cổng” không có “cánh” tạo nên bởi mấy thân tre gầy cao quá đầu. Từ đây bầu trời xanh ngắt biến mất hoặc chỉ còn thấp thoáng dưới vòm cây. Người lái đò đưa chúng tôi đi vào thật sâu. Nắng rọi từng tia và lấp ló. Đôi khi nắng khuếch tán giữa tán cây và mặt nước tạo thành những vầng sáng lung linh ảo diệu giữa hun hút màu lá xanh xen lá úa.
Nếu như ở những khe suối nhỏ, ánh sáng của mặt trời rớt xuống thành từng chùm nhỏ thì ở những khúc suối rộng như phía chùa Thanh Sơn - Hương Đài, nắng phết mật vàng ươm lên cả vùng, lên cây cầu tre bắc ngang qua suối và cả triền cây không còn lá. Trên một lối mòn rộng rãi chạy theo suối, vách núi bẻ ngoặt ánh sáng thành một vệt sáng trắng đục xéo qua cả dãy núi. Và có hàng trăm con vịt đang xôm tụ ở khoảng đất ngay dưới đáy vệt sáng đó. Tất cả đều tĩnh lặng, chỉ có tiếng mái chèo gạt dòng nước và tiếng vịt kêu nao động một góc.
Thần tiên mùa hoa
Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trên suối Yến, cây mọc trên nước và hoa trong lòng suối, đi vào hay trở ra đều có những điều bất ngờ chờ đợi. Vào những ngày trời trong, nắng quyện với ánh hồng của hoa súng khiến cả con suối bừng lên rạng rỡ. Hoa súng chỉ nở từ sáng sớm cho tới gần trưa là khép cánh và lặp lại ở ngày kế tiếp.
Nhưng mạch suối chính chưa phải là thiên đường của hoa súng. Phía dưới chân cầu Hội, bên tay trái, khá khuất tầm mắt, có một nhánh nhỏ. Chỉ đến khi con đò ở chính diện nhánh suối này, người ta mới có thể “phát hiện” ra sự kỳ diệu của nó. Nhánh suối được “bảo vệ” bằng một hàng rào làm từ mấy thân cây buộc với nhau và không thể thưa thớt hơn. Bên cạnh hàng rào, người ta chừa lại một lối vào rất nhỏ hẹp nhưng… đò nào cũng có thể qua.
Người lái đò khéo léo đẩy con đò nhỏ len qua “cổng” và những chiếc cọc tre cắm dưới lòng suối. Trước mắt chúng tôi cả một rừng hoa súng tím hồng rực rỡ đến nghẹt thở. Hoa trải dài tới tận chân ngọn núi phía cuối nhánh suối ấy. Từng ô từng ô một, đầm bên này là một triền hoa súng và bên kia cũng lại là một đầm hoa súng khác. Ngăn cách lối vào với các ô đầm là những “mảnh rèm thưa” dọc ngang được tạo nên bởi các hàng cây thanh mảnh nay đã rụng hết lá. Phải chăng ai đó đã cố tình trồng bên ngoài khu vực này hàng loạt những cây cao rậm rạp để …giấu đi sự kỳ diệu ấy?!
Dưới nắng, những bông súng tươi tắn rạng ngời, còn trong mưa sương thì ướt át và tinh khiết. Hoa súng ở đây nở quanh năm, không như những vạt súng ngoài mạch suối chính chỉ hiện hữu mùa không hội, còn đến mùa chính hội chúng sẽ bị người ta phạt đi để lấy lối cho vạn đò chen nhau xuôi ngược.
Suối Yến không chỉ có hoa súng. Vợ chồng người lái đò dặn tôi, phải đi Hương Tích cả bốn mùa trong năm mới biết hết được. Ngay cả những cây xì tràm gân guốc kia cũng có thể ra hoa. Cây xì tràm thường ra hoa vào những tháng rét nhất cuối năm. Hoa xì tràm phấn màu vàng, cánh nhỏ li ti mọc thành từng chùm dài dày đặc trên cả thân cây. Đến mùa hoa, cả con suối rực lên một màu vàng dịu. Khi mùa hoa xì tràm qua đi, khách trảy hội thưa dần và các con đò đã vãn bớt nhịp chèo thì cũng là lúc cây gạo chấm những đốm đỏ lự lay lắt lên nền trời mây núi tháng Ba. Rồi khi hạ về, đến những tháng nắng huy hoàng nhất sẽ có một mùa khác - mùa sen…
Đến Hương Tích vào mùa không hội, tôi đã tìm thấy cho mình một góc rất khác với những ký ức tệ hại in hằn gần hai mươi năm. Có lẽ khi ta chấp nhận gạt những định kiến cũ sang một bên thì cuộc đời này sẽ đối đãi ta thật hậu hĩnh. Suối Yến hay Hương Sơn không chỉ dành cho những người hành hương, vùng non nước hữu tình này có thể làm thỏa lòng cả những người lữ hành muốn đi khắp thế gian.
Theo Ngọc R’nP (Sanhdieu)
Du lịch, GO!